Từ vụ Hà Giang, giải pháp nào cho kỳ thi THPT quốc gia?

LTS: Vụ gian lận kết quả thi cử ở Hà Giang rồi sẽ được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và khắc phục hậu quả công bằng. Tuy nhiên, qua vụ việc này, có lẽ cần phải nhìn nhận, đánh giá kỹ càng hơn về kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một" để chuyện thi cử ở nước ta được tốt hơn.

Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu ý kiến của TS toán học Lê Thống Nhất, một chuyên gia tâm huyết về giáo dục, như một gợi mở để chúng ta cùng suy gẫm.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thông tin báo chí về vụ gian lận thi cử. ẢNH: HP

Vụ việc Hà Giang sẽ không là bất ngờ nếu coi đây chỉ là hệ quả của những nguyên nhân trước đó. 

Những kẽ hở trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Ngay từ khi có kết quả thi THPT quốc gia 2018 và kể cả trước đó, khá nhiều ý kiến đã nêu ra những "kẽ hở" cho tiêu cực xảy ra trong kỳ thi. Khi có kết quả điểm thi bất thường của Hà Giang thì các ý kiến trên càng nhiều hơn và các dự đoán về sai phạm cũng đã được chia sẻ.

1. In sao đề thi

Đây là khâu khá phức tạp để bảo mật vì thời gian in sao ở mỗi tỉnh/thành phải diễn ra khá nhiều thời gian. Với các đề thi trắc nghiệm, mỗi đề đến 4-5 trang, mỗi đề có 24 mã thi nên việc kiểm soát chặt chẽ quá trình này khá căng thẳng, kể cả việc in không rõ văn bản và hủy các bản in không chuẩn. Nếu nhóm cán bộ làm việc này chỉ cần sơ hở hoặc có sự thông đồng tiêu cực thì rất có thể tạo ra "kẽ hở".

2. Can thiệp phiếu trả lời trắc nghiệm

Nếu nhóm cán bộ thực hiện việc scan phiếu trả lời không kiểm soát nhau tốt hoặc thông đồng với nhau thì đây là "kẽ hở" lớn. Vì phiếu trả lời trắc nghiệm học sinh dùng bút chì tô đen phương án chọn nên cán bộ có thể thay đổi phương án theo đáp án (đáp án do có được từ các trang báo điện tử hoặc do chính Bộ GD&ĐT cung cấp ngay sau buổi thi cuối cùng, quá trình scan cũng khá lâu vì mỗi đơn vị có rất nhiều phiếu trả lời, đủ thời gian có đáp án chuẩn). Vết tẩy xoá hoàn toàn có thể quy cho thí sinh thực hiện. Thậm chí có người cho rằng học sinh có thể nộp phiếu "trắng" để khi cán bộ can thiệp vào phiếu này đỡ phải tẩy xoá (!).

Một chi tiết rất dễ tạo "kẽ hở" là các bản file ảnh chuyển qua file text để giảm dung lượng thì trong trường hợp không sửa trên phiếu trả lời gốc, cán bộ có thể sửa dễ dàng trên file tetx này.

Một chuyên gia cho biết: "Thực tế phần mềm chấm thi đang dùng nhận dạng file ảnh quét từ máy quét ảnh (scanner) là chủ yếu nhưng do có các tỉnh vẫn còn dùng máy OMR (Optical Mark Recognition) mua từ nước ngoài, không quét ảnh mà nhận dạng bằng firmware của máy OMR và đẩy kết quả ra dưới dạng text nên phần mềm có chức năng import file text và bị lợi dụng. Mua máy OMR vừa đắt và việc sửa lỗi thí sinh khó (phải xử lý thủ công) nên Bộ hoàn toàn có thể yêu cầu các tỉnh bỏ các máy OMR đi, chỉ dùng nhận dạng ảnh, đồng thời cắt khỏi phần mềm chức năng import kết quả từ OMR sẽ tránh được một khâu sơ hở."

3. Coi thi 

Chúng ta hẳn còn nhớ thí sinh Nghệ An được 10 điểm môn Vật lý thi trắc nghiệm và môn toán thi tự luận chỉ được 0 điểm. Nếu do ngẫu nhiên mà được điểm 10 thì quả là quá may mắn. Mọi người đều nghĩ đến khả năng thí sinh này đã chép bài làm của học sinh khác ở cùng phòng thi.

Việc giám sát chỉ cần lơi lỏng một chút thì các thí sinh có thể chuyển cho nhau đáp án trắc nghiệm.

Khi kỳ thi có xét tuyển đại học hoàn toàn giao cho địa phương tổ chức thì tâm lý về "tinh thần tỉnh nhà" rẩt dễ tạo ra "kẽ hở" tạo điều kiện cho việc tiêu cực xảy ra để có lợi cho học sinh tỉnh mình.

4. Chấm thi tự luận môn ngữ văn

Khi công bố điểm thi môn ngữ văn, lại tạo sóng trên mạng xã hội và ngay chính các giáo viên dạy ngữ văn bàn tán nhiều hơn cả. Tâm lý "tinh thần tỉnh nhà" có thể dễ tạo ra "kẽ hở" khi cùng chấm lỏng hơn và từ chấm chặt chuyển sang chấm lỏng thì điểm số có thể sai khác nhiều. Đương nhiên khi đã "đồng lòng" thì điểm của giám khảo 1 và giám khảo 2 cũng sẽ "thống nhất" luôn.

Sự chênh lệch kết quả điểm thi cao môn ngữ văn ở những tỉnh/thành được cho là trình độ học sinh không khác nhau mấy đã tạo nên những nghi ngờ về sự khác nhau khi chấm ở các hội đồng. 

Giải pháp nào cho giảm thiểu các "kẽ hở"?

Nguyên nhân sâu xa là các tiêu cực dễ bùng lộ và các "kẽ hở" được khai thác tận dụng cao khi kỳ thi liên quan tới xét tuyển đại học. Bởi vậy, tôi xin đưa ra các giải pháp theo trình tự ưu tiên như sau:

1. Xóa bỏ kỳ thi "hai trong một"

Chỉ cần phân tích năng lực ra đề thi trắc nghiệm ở các bài viết trước, tôi đã đề nghị xóa bỏ kỳ thi "hai trong một". Nay thêm những "kẽ hở" nêu trên thì giải pháp này càng cần được Bộ GD&ĐT và cao hơn là Chính phủ xem xét. Ưu điểm duy nhất của "hai trong một" là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh nhưng khi mà kết quả của con em bị thua thiệt do các tiêu cực thì việc tiết kiệm này lại hoàn toàn không cần thiết. Điều này cũng làm cho các trường ĐH quá bị động và nghi ngờ kết quả xét tuyển của mình. Nhiều giảng viên các trường Đại học cũng đã kinh ngạc với kết quả thi của nhiều học sinh và không tin vào kết quả này. Thậm chí còn hài hước bình luận: "Mình làm sao mà dạy được những "siêu nhân" này!".

Nếu xóa bỏ thì phương án được nhiều chuyên gia đưa ra là:

- Giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT, nếu Luật Giáo dục yêu cầu thi thì Sở GD&ĐT tổ chức thi. Nếu dịp này sửa đổi Luật Giáo dục thì cũng nên xem là có thể xét tốt nghiệp được không? Kết quả học tập và hạnh kiểm của ba năm học THPT hoàn toàn có thể đủ để xét và khó xảy ra những bất thường như khi thi.

- Giao quyền tuyển sinh ĐH cho các trường tự chủ về phương án tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chỉ cần xem xét để duyệt. Trong viêc tự chủ này sẽ có phương án cho: hình thức thi, đề thi, điểm thi, các mốc thời gian cho việc tổ chức tuyển sinh, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi. Riêng với đề thi, trước đây đã có những cụm trường dùng chung đề thi bởi vậy các trường hoàn toàn có thể liên kết nhau để có đề thi chất lượng. Trong trường hợp đặc biệt mới cần Bộ GD&ĐT cung cấp đề thi. Khi đó Bộ GD&ĐT là đơn vị quản lý nhà nước, giám sát các trường thực hiện đúng phương án đã duyệt.

Nếu thực hiện giải pháp như trên sẽ có một lợi ích nữa là Bộ GD&ĐT không phải ôm nặng kỳ thi như hiện nay mà thực chất cuối cùng thì từ việc ra đề, in sao, coi thi, chấm thi cũng lại phải điều động các cán bộ phía dưới thực hiện. Bộ GD&ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện sứ mệnh quản lý nhà nước về giáo dục, khi mà công việc này đang đòi hỏi sự chỉ đạo và quản lý rất kịp thời, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh hình Nghị quyết 19 của Đảng. Sự nghiệp giáo dục đâu chỉ là xoay quanh một kỳ thi?

2. Trở lại thi tự luận với một số môn

Giải pháp này yếu hơn nhưng cũng là đề xuất với các trường ĐH khi mà được tự chủ tuyển sinh. Trước đây tôi đã từng ủng hộ thi trắc nghiệm môn toán vì không nghĩ hết các "kẽ hở" khi thi trắc nghiệm và đặc biệt là không ngờ rằng năng lực ra đề thi trắc nghiệm của chúng ta yếu đến thế! Công bằng và thẳng thắn thì phải nói là: "Không biết ra đề thi trắc nghiệm!".

Bởi vậy trong tình hình tiêu cực và năng lực như hiện nay thì việc trở lại thi tự luận, ít nhất là môn toán sẽ giúp cho việc đánh giá chính xác hơn. Chúng ta có rất nhiều năm tích lũy nhiều kinh nghiệm cho việc ra đề trắc nghiệm. Tất nhiên "kẽ hở" khi chấm thi vẫn có và mong lưu ý "kẽ hở" này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm