1. “Hôm nay, Tuấn Anh đã chạy không thua kém quá nhiều so với mốc 10 km. Đó cũng là quãng đường các cầu thủ thường di chuyển trong những trận cầu đỉnh cao tại Champions League.”
Đó là lời khen ngợi từ huấn luyện viên Guillaume Grachen sau thắng lợi 4-1 của U19 Việt Nam trước U19 Myanmar ở giải U19 Đông Nam Á 2014. Đấy là một trận đấu mà Tuấn Anh đã chơi như “lên đồng” và biến hàng tiền vệ sẽ dự World Cup U20 vào mùa Hè này trở thành những gã hề.
90 phút trước U19 Myanmar chỉ là một trong số những màn trình diễn kỳ diệu của Tuấn Anh, cầu thủ vẫn được đánh giá là tài năng lớn nhất của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.
Câu chuyện về Tuấn Anh là câu chuyện về người đã được đích thân “Giáo sư” Arsene Wenger khen ngợi, là câu chuyện về cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 Đông Nam Á 2013, tiền vệ Việt Nam duy nhất theo kịp những đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc ở giải châu Á 2014.
Chính bầu Đức và nhiều nhà chuyên môn cũng luôn đánh giá Tuấn Anh ở một vị trí cao hơn Công Phượng. Trên thực tế, tiền vệ người Thái Bình (cùng với Xuân Trường) mới là hai cái tên đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức lối chơi cho Hoàng Anh Gia Lai và U19 Việt Nam. Công Phượng là ngôi sao lớn nhất nhưng Tuấn Anh mới là trái tim của đội bóng.
Những thành công rực rỡ ở cấp độ U19 đưa Tuấn Anh lên thẳng tuyển Olympic kèm theo những kỳ vọng cực lớn về một nhạc trưởng mới của bóng đá Việt Nam. Nhưng kỳ vọng đã nhanh chóng trở thành sự thất vọng.
2. Olympic Việt Nam đã thi đấu tổng cộng 8 trận cả giao hữu và chính thức. Một mình Tuấn Anh đá tới 6 trận. Anh được trao rất nhiều cơ hội, được huấn luyện viên Toshiya Miura kỳ vọng rất nhiều. Nhưng càng thi đấu, anh càng nhạt nhòa.
Hai trận giao hữu đầu tiên với Hà Nội T&T (5/3) và Olympic Indonesia (9/3), Tuấn Anh được chơi đủ 180 phút. Ấn tượng để lại đủ khiến anh “được” mời lên ghế dự bị trong trận gặp Olympic Uzbekistan (14/3) và Đồng Nai (17/3).
Bước tới gần vòng loại, Tuấn Anh được tin tưởng trở lại khi đá chính trước Olympic Thái Lan (22/3) và Malaysia (27/3, bị thay ra ở phút 77). Đó cũng là lần cuối cùng người ta thấy Tuấn Anh xuất hiện trong đội hình Olympic Việt Nam.
Trong thế trận phòng ngự với Nhật Bản (29/3), Tuấn Anh ngồi dự bị từ đầu tới cuối. Khi cần tấn công trước Macau (31/3), anh thậm chí không được điền tên vào danh sách thi đấu. Tuấn Anh càng chơi càng đuối. Anh được tin tưởng từ đầu nhưng không đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu. Cuối cùng, số 8 bị loại.
Sau 6 trận cả giao hữu và chính thức, Tuấn Anh không có nổi một bàn thắng hoặc đường kiến tạo. Anh tranh chấp kém, thể lực yếu, bị loại ra cả trong thế trận phòng ngự và tấn công. Quan trọng hơn, tiền vệ 20 tuổi không cho thấy sự tiến bộ suốt hơn một tháng tập luyện và tỏ ra rất khó khăn trong việc hòa nhập với lối chơi chung.
Những ý kiến bảo vệ sẽ cho rằng Tuấn Anh cần một phong cách chơi bóng “La-tinh” hơn, kỹ thuật và có hơi hướng U19. Nhưng chẳng phải Công Phượng và Văn Toàn đều đã hòa nhập rất tốt với chiến thuật của ông Miura? Hãy nhớ rằng chỉ những siêu sao mới có quyền khiến cả đội bóng phải thay đổi theo lối chơi của mình. Và Tuấn Anh rõ ràng chưa phải một siêu sao như thế.
Nhiệm vụ đầu tiên của cầu thủ là thích nghi với chiến thuật chứ không phải là đòi hỏi chiến thuật thay đổi để phục vụ anh ta. Cầu thủ được ra sân đôi khi không phải là người giỏi nhất nhưng chắc chắn sẽ là cái tên phù hợp nhất với triết lý. Thay đổi để thích nghi là yêu cầu sống còn mà Tuấn Anh hình như vẫn chưa học được.
3. Sau những gì đã thể hiện với Olympic Việt Nam ở vòng loại giải U23 châu Á, tương lai của Tuấn Anh tại đội U23 Việt Nam dự SEA Games 28 đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Đấy là thời điểm ông Miura sẽ gọi một loạt cầu thủ sinh năm 1992, trong đó có bộ đôi Hoàng Thịnh - Huy Hùng lên tuyển.
Họ chính là bộ đôi tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2014 - những lựa chọn tốt nhất của bóng đá Việt Nam. Sự có mặt của họ sẽ khiến cuộc cạnh tranh ở tuyến giữa của U23 Việt Nam trở nên cực kỳ khốc liệt. Khả năng Tuấn Anh bật bãi là hoàn toàn có thật.
Một tháng sắp tới sẽ là khoảng thời gian nhạy cảm của Tuấn Anh. Số 8 của Hoàng Anh Gia Lai chỉ có hơn 30 ngày để nâng cấp mọi kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của huấn luyện viên Miura.
Anh sẽ phải làm điều đó trong bối cảnh mọi ánh mắt hướng về phía mình, dưới áp lực cực lớn của thành tích và báo giới. Sức ép ấy là điều mà Tuấn Anh chưa từng trải qua trong suốt sự nghiệp.
Nếu Tuấn Anh không thể vượt qua nó, bóng đá Việt Nam đối diện với nguy cơ mất đi một thần đồng.
Sức ép “bóp chết” sự sáng tạo từ các tiền vệ trung tâm
Lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến rất nhiều tiền vệ trung tâm tiềm năng không thể vượt qua sức ép để trở thành vĩ đại. Yoan Gourcuff của đội tuyển Pháp là một cái tên như thế.
Được ca ngợi là thần đồng từ khi còn rất trẻ, Gourcuff được thừa nhận như là “truyền nhân số một” của huyền thoại Zinedine Zidane. Anh từng giành danh hiệu cầu thủ hay nhất nước Pháp và được kỳ vọng sẽ đạt tới đẳng cấp thế giới.
Nhưng khi đứng trên đỉnh cao, Gourcuff không chịu được áp lực và không vượt qua nổi chính mình. Anh sa sút nhanh và giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình ở Lyon.
Vượt qua sức ép cũng là câu chuyện chung của rất nhiều tiền vệ tấn công danh tiếng trên khắp thế giới. Sức ép khủng khiếp ở vị trí phải va chạm nhiều nhất sân bóng có ảnh hưởng tiêu cực tới rất nhiều tiền vệ trung tâm - những người sở hữu sức sáng tạo dị biệt đi kèm với sự mong manh về tinh thần như hai mặt tất yếu của một đồng xu.
Gourcuff, Tomas Rosicky (CH Czech), Jack Wilshere (Anh)... đều là những cầu thủ như thế. Còn Tuấn Anh thì sao?
Theo Vietnam+