Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ

Một “kỵ mã” hất văng “kỵ sĩ” xuống đất, còn “kỵ sĩ” khác thì nằm trên lưng ngựa. 

Từ sáng sớm mồng chín tháng Giêng Giáp Ngọ (tức 8-2), hàng ngàn người từ khắp nơi nô nức kéo về gò Thì Thùng thuộc xã vùng cao An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) để xem hội đua ngựa. Đây là hội đua ngựa dân gian duy nhất ở Phú Yên vốn có từ hàng chục năm trước, những năm gần đây được người dân cùng chính quyền địa phương chung sức, nâng thành một hoạt động văn hóa thể thao truyền thống có quy mô lớn của tỉnh Phú Yên.

Năm nay là lần thứ 29 hội đua ngựa gò Thì Thùng được tổ chức, lại là năm Ngọ nên khán giả đông nhất từ trước đến nay.

“Trường đua” là một bãi đất bằng phẳng, tiếp giáp giữa hai huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân và các xã vùng cao phía tây huyện.

Tuy An -nơi mà người dân dùng ngựa làm phương tiện vận chuyển thiết yếu hàng ngày. Để tạo thành đường đua, người ta phải cắm cây, giăng dây thừng xung quanh.

 Tham gia hội đua năm nay có 32 “kỵ mã”- hầu hết đều là những con ngựa thồ nông sản hàng ngày. Trong số các “kỵ mã”, ngoài bốn chú ngựa đực lần đầu tiên đến từ huyện Đông Hòa (Phú Yên), còn lại đều là ngựa cái, có vóc dáng khá khiêm tốn, chứ không to lớn như các tuấn mã ở những trường đua chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Văn Thành (một người nuôi ngựa lâu năm ở ngụ vùng 2, xã An Xuân), người dân vùng này thích nuôi ngựa cái hơn vì chúng dễ nuôi, làm việc chăm chỉ hơn ngựa đực.

Hôm nay, những "chị" ngựa cái này trở thành niềm tự hào, niềm hy vọng chiến thắng của những người chủ.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Vùng phía tây Tuy An có địa hình cách trở, đường sá đi lại vốn khó khăn. Người dân trồng lúa, bắp, chuối… trên các triền đồi, rẫy xa trong núi nên ngựa là phương tiện chủ yếu thồ nông sản, hàng hóa. Chính vì thế, Tuy An là vùng nuôi ngựa lớn nhất ở Phú Yên và từ bao đời nay ngựa đã gắn bó với cuộc sống của nhân dân vùng này. Hàng ngày, người cùng người dân lên rẫy, còn ngày xuân, ngựa cùng chủ đến hội đua để góp vui, cuộc sống thêm hương sắc”.

Tất cả “kỵ sĩ” của hội đua đều là nông dân chân đất, hàng ngày vốn quen ngồi trên lưng trần của ngựa thồ. Theo quan niệm của người dân địa phương, người chiến thắng trong cuộc đua ngựa này, ngoài những phần thưởng còn được xem là người may mắn nhất trong năm.

Do đó, để chuẩn bị cho hội đua ngựa này, từ trước tết các “kỵ sĩ” miền sơn cước ra sức chăm chút cho những ngựa thồ để trở thành những “chiến mã” oai phong. Chính vì thế, nhiều chú ngựa trước đây vốn gầy gò, hôm nay trở nên khỏe đẹp khá thường.Tuy nhiên, trong số “kỵ mã” ra trường đua còn có cả những chú ngựa "nhí", ngựa già gầy trơ xương!.

“Trước hội đua mấy ngày, chúng tôi đưa ngựa lên gò Thì Thùng để chúng tập chạy cho quen đường, quen với cách thi đấu”- ông Lê Văn Sành, chủ một ngựa đua, cho hay.

Dẫu vậy, hầu hết các “kỵ mã” đều không quen đóng yên cương nên chỉ chạy trần, còn lại vài chị ngựa được thắng yên bằng… những chiếc bao bố! Trong khi đó, phần lớn các “kỵ sĩ” đều đi chân đất, đầu để trần hoặc đội mũ dành cho… đánh bốc!.

Do là ngựa thồ vốn quen ngược xuôi miền sơn cước nên khi ra trường đua nhiều “kỵ mã” không quen với yên cương, nài ngựa, càng không quen chỗ đông người.

Vừa nghe lệnh xuất phát, có “kỵ mã” cứ quay đầu chạy ngược, hất văng “kỵ sĩ” xuống đất rồi cứ thế chạy một mình. Khi nghe tiếng reo hò ầm ĩ, nhiều “kỵ mã” hoảng hồn bỏ chạy tán loạn, xé toạc cả hàng rào khán giả để tìm chỗ thoát thân. Không ít “kỵ mã” đang chạy đua, bất ngờ dừng lại, thản nhiên lững thững đi gặm cỏ; hay có chú ngựa đang phi nước đại bỗng dừng lại quẩn quanh phía sau một nàng ngựa cái. Còn các “kỵ sĩ” thì liên tục bị té lăn lông lốc, ngơ ngác nhìn “kỵ mã” đua một mình hoặc chạy thẳng ra các khu rừng để gặm cỏ!

Những tình huống trên càng làm cho khán giả thêm hồ hởi, phấn khích. Cứ thế, cuộc đua diễn ra trong những tràng cười sảng khoái không dứt của hàng ngàn khán giả.

Các “kỵ sĩ” và khán giả đều hết sức gần gũi, thân tình. Bốn “kỵ mã” vào chung kết đều là những ngựa cái! Kết thúc hội đua năm nay, “nàng kỵ mã” của “kỵ sĩ" Lê Văn Thu (xã An Hiệp, huyện Tuy An) đoạt giải nhất. Đây cũng là “nàng” ngựa Tía đã đoạt quán quân trong hội đua ngựa năm trước sau khi vừa sinh con. Còn giải “kỵ sĩ” lớn tuổi nhất dành cho ông Nguyễn Hữu Chi (63 tuổi, ngụ xã An Hiệp) cùng một “nàng” ngựa cái đang cho con bú!

Một số hình ảnh tại buổi đưa ngựa thồ:

Dòng người đông nghịt đổ về xem hội đua


Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 3
 Những “kỵ mã” trước giờ ra trận. 

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 4

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 5
 

 

Hội đua diễn ra trong sự cổ vũ của hàng ngàn người.  

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 7

Phi nước đại trên đường đua

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 8
 

Một “kỵ mã” đua không có “kỵ sĩ”

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 9
 

 Hai “kỵ mã” đang về đích

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 10

Hoa dành cho những “kỵ sĩ” chiến thắng.

Tưng bừng ngày hội đua ngựa thồ ảnh 11
 
Tặng hoa cho các “kỵ sĩ”

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm