“Tổng tư lệnh cách mạng Cuba đã từ trần lúc 22 giờ 29 phút đêm nay… Theo nguyện vọng của đồng chí Fidel, thi hài của đồng chí sẽ được hỏa thiêu vào những giờ đầu ngày 26-11” - Chủ tịch Cuba Raul Castro đã báo tin đau buồn trên Đài Truyền hình quốc gia Cuba hôm 25-11 (giờ địa phương).
Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo tổ chức quốc tang trong chín ngày (đến ngày 4-12). Trong thời gian quốc tang, mọi hoạt động vui chơi, giải trí tạm ngưng.
Lãnh tụ cách mạng
Nhà cách mạng Fidel Castro nổi tiếng trên thế giới với các bài phát biểu rất dài, bộ quân phục xanh màu ôliu ông hay mặc và vai trò lá cờ đầu chống Mỹ trên chính trường quốc tế.
Xuất thân từ một gia đình giàu có gốc Tây Ban Nha, được các cha Dòng Tên dạy dỗ, Fidel Castro đã dấn thân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Năm 1953, chiến dịch tấn công pháo đài Moncada ở Santiago thất bại. Fidel Castro bị bắt và bị kết án 15 năm tù, sau đó được ân xá và phải sang Mexico. Tại đây, ông đã tổ chức phong trào kháng chiến cùng với Che Guevara.
Ngày 8-1-1959, khi đội quân do Fidel Castro chỉ huy tiến vào Havana lật đổ chính quyền độc tài Batista, ông chỉ mới 33 tuổi. Ban đầu Mỹ thừa nhận Cuba nhưng ngay sau đó đã thay đổi sau khi Fidel Castro thực hiện các biện pháp đầu tiên xây dựng Cuba, như quốc hữu hóa kinh tế và các công ty lớn của Mỹ, thực hiện chế độ tập thể hợp tác xã, thân thiện với Liên Xô (cũ).
Nhà lãnh đạo thách thức Mỹ
Fidel Castro là nhà cách mạng cuối cùng cùng thời với Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev.
Trong gần 50 năm cầm quyền, Fidel Castro luôn trong tư thế đương đầu với Mỹ. Washington không ưa chế độ cộng sản Cuba và năm 1961 đã tìm cách lật đổ Fidel Castro. Vụ đổ bộ vịnh Con Heo do CIA tổ chức bị phá sản, sau đó Fidel Castro công khai liên minh với Liên Xô.
Năm 1962, Nikita Khrushchev quyết định xây dựng các căn cứ tên lửa ở Cuba hướng sang Mỹ. Trong 14 ngày, thế giới đối diện với nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Cuối cùng thỏa thuận đã đạt được, tên lửa Liên Xô được đưa khỏi Cuba và Mỹ bảo đảm không xâm chiếm Cuba.
Phải đợi đến khi Chủ tịch Raul Castro lên cầm quyền, quan hệ Mỹ-Cuba mới bắt đầu trở nên nồng ấm, Mỹ mới giảm bớt các biện pháp cấm vận áp đặt cho Cuba từ năm 1962.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba mới đây, chiều 15-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến chào Fidel Castro tại Havana (ảnh trên). Fidel Castro cùng các đồng chí tiến vào Havana tháng 1-1959. Ảnh: AP
Một nhân vật ảnh hưởng thế giới
Fidel Castro là người đã xuất khẩu mô hình cách mạng Cuba, đặc biệt sang các nước châu Phi. Giữa thập niên 1970, quân đội Cuba đã giúp đỡ chính phủ Angola đối phó với lực lượng chống đối được quân đội Nam Phi hậu thuẫn. Năm 1989, quân đội Nam Phi và Cuba mới rút khỏi Angola.
Sự kiện Fidel Castro giúp Angola đã góp phần lay động chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi. Nelson Mandela sau khi rời khỏi nhà tù đã dành chuyến đi nước ngoài đầu tiên đến Cuba cảm ơn Fidel Castro đã gián tiếp thúc đẩy chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
Mô hình cách mạng Cuba cũng được xuất khẩu sang Mỹ Latinh. Fidel Castro đã viện trợ quân sự cho phong trào kháng chiến ở Venezuela và Bolivia trước khi phát triển các thỏa thuận thương mại với Tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela và Tổng thống Evo Morales ở Bolivia.
Nhà hoạt động vì chủ nghĩa xã hội đến cuối đời
Fidel Castro đã chọn con đường chủ nghĩa xã hội và gần gũi với Liên Xô (cũ). Ông quốc hữu hóa nền kinh tế, tăng cường chăm lo cho giáo dục và y tế để mọi người đều có thể được học hành và trị bệnh. Hệ thống y tế Cuba nổi tiếng tốt nhất khu vực Mỹ Latinh trong năm 2010.
Mặc dù chủ nghĩa cộng sản dần dần không còn ở châu Âu vào cuối thập niên 1980, Fidel Castro vẫn tiếp tục duy trì lý tưởng Mác-xít với khẩu hiệu: “Chủ nghĩa xã hội hay là chết”. Nền kinh tế Cuba chủ yếu dựa vào thương mại với Liên Xô (cũ) sụp đổ, Fidel Castro đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách.
Từ năm 2000, Chủ tịch Fidel Castro đã mắc phải nhiều bệnh về ruột. Ông rút khỏi đời sống chính trị vào năm 2006 và chuyển giao quyền lực lại cho người em trai út Raul Castro. Đến tháng 4-2011, ông từ bỏ các trọng trách chính thức sau khi Chủ tịch Raul Castro được bầu làm bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản Cuba.
Giữa tháng 2-2014 và tháng 4-2015, các phương tiện truyền thông ít nói đến Fidel Castro do vấn đề sức khỏe của ông. Sau đó, cho dù đi lại khó khăn, ông tiếp tục công bố các suy nghĩ của mình và thỉnh thoảng vẫn tiếp khách nước ngoài.
Ngày 19-4-2016, ông phát biểu lần cuối cùng trước Quốc hội Cuba. Ông dự cảm cái chết sẽ đến gần và ông đã kêu gọi tôn trọng lý tưởng cách mạng.
Fidel Castro từ trần (hưởng thọ 90 tuổi) vào thời điểm gần hai năm sau khi Cuba và Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam chia buồn lãnh tụ Fidel Castro từ trần Ngày 26-11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Hội đồng Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Chính quyền nhân dân nước Cộng hòa Cuba. Bức điện có đoạn viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động và đau buồn sâu sắc được tin đồng chí Fidel Castro Ruz từ trần. Cuộc đời trong sáng và sự nghiệp bất tử của đồng chí sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Cuba và của các dân tộc anh em trên thế giới”. ________________________________ Phản ứng của thế giới NICOLAS MADURO (Tổng thống Venezuela): “Đối với tất cả nhà hoạt động cách mạng trên thế giới, chúng ta cần phải tiếp tục di sản của Fidel Castro, ngọn cờ đầu của độc lập và chủ nghĩa xã hội”. ENRIQUE PEÑA NIETO (Tổng thống Mexcio): “Tôi khóc thương cho Fidel Castro Ruz, người lãnh đạo cuộc cách mạng Cuba, nhân vật tiêu biểu cho thế kỷ 20”. VLADIMIR PUTIN (Tổng thống Nga): “Nhà hoạt động chính trị ưu tú này (Fidel Castro) được xem là biểu tượng của thời kỳ lịch sử hiện đại của thế giới”. MIKHAIL GORBACHEV (cựu Tổng thống FRANÇOIS HOLLANDE (Tổng thống Pháp): “Fidel Castro là một nhân vật của thế kỷ 20 và hóa thân cho cách mạng… Ông đã trao cho nhân dân Cuba niềm hãnh diện đã loại bỏ thống trị từ bên ngoài”. Tổng thống Pháp đã đề nghị bãi bỏ cấm vận đối với Cuba. MARIANO RAJOY (Thủ tướng Tây Ban Nha) viết trên Twitter nhận xét Fidel Castro “đã có tầm vóc lịch sử” tác động lớn đến đất nước Cuba và khu vực. ROBERT FICO (Thủ tướng Slovakia): “Cuba không bao giờ đe dọa ai và chỉ muốn sống cuộc sống riêng của mình. Rất nhiều người đã vô lý khi đã căm thù và đang tiếp tục căm thù vì lòng can đảm của Cuba”. BÁO CHÍ MỸ: Ông ấy “đã làm rung chuyển” 11 đời tổng thống Mỹ và “đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân” (New York Times). Ông ấy là “biểu tượng cách mạng” (Los Angeles Times). TẬP CẬN BÌNH (Chủ tịch Trung Quốc): “Nhân dân Trung Quốc đã mất đi một đồng chí chân thành và tốt bụng… Castro sẽ sống mãi”. |