Tương lai quan hệ Nga - Syria hậu ông al-Assad?

(PLO)- Khác với những đồn đoán, Nga và lực lượng đối lập Syria bày tỏ thiện chí thiết lập quan hệ ngoại giao, điều gì thúc đẩy diễn tiến này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giáng một đòn mạnh vào lợi ích của Nga tại Syria khi lực lượng hiện nắm quyền chính là lực lượng mà Moscow đã không kích suốt gần một thập niên qua.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, điều này không đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Điện Kremlin tại Trung Đông hoàn toàn sụp đổ. Nga vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận với chính phủ mới của Syria, nhờ kinh nghiệm lâu năm trong việc đàm phán với nhiều nhóm khác nhau trên toàn cầu.

“Sẵn sàng nối lại quan hệ”

Ngày 14-12, lãnh đạo lực lượng đối lập Syria - ông Abu Mohammed al-Julani nói rằng chính phủ mới ở Syria có thể thiết lập mối quan hệ với Nga nếu Moscow thể hiện thiện chí thúc đẩy quan hệ này. Trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình Syria, ông al-Julani nói rằng giới lãnh đạo Syria “muốn tránh khiêu khích Nga”.

Ông al-Julani cũng lưu ý rằng chính quyền mới ở Syria sẵn sàng tạo cơ hội để Nga “đánh giá lại mối quan hệ với Syria theo hướng phục vụ lợi ích chung”, nhấn mạnh rằng thời điểm này Syria cần có sự “quản lý thận trọng” trong quan hệ với các quốc gia.

Nga và lực lượng đối lập Syria bày tỏ thiện chí thiết lập quan hệ ngoại giao (2).jpg
Xe quân sự Nga gần một thị trấn ở tỉnh Hasakah (đông bắc Syria) năm 2022. Ảnh: AFP

Về phía Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov xác nhận rằng các nhà ngoại giao nước này đã thảo luận một số vấn đề với lực lượng đối lập Syria, bao gồm “đảm bảo an ninh cho phái bộ ngoại giao và công dân Nga đang ở trên lãnh thổ Syria”.

Hãng thông tấn TASS dẫn các nguồn tin rằng Moscow và lực lượng đối lập Syria đang thảo luận về việc duy trì hai căn cứ quân sự của Nga tại Syria. Theo nguồn tin, Nga “đã đạt được các đảm bảo an ninh tạm thời, đảm bảo các căn cứ quân sự vẫn hoạt động bình thường”.

Trước đó, khi thông báo về sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad, Nga lưu ý rằng nước này vẫn “giữ liên lạc với tất cả các phe phái của lực lượng đối lập Syria”. Việc Moscow dùng cụm từ “đối lập” để mô tả các lực lượng đang nắm quyền ở Syria đánh dấu một sự thay đổi đáng kể. Chỉ một tuần trước khi chính phủ ông al-Assad sụp đổ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vẫn gọi lực lượng này là “những kẻ khủng bố”.

“Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi ngay lập tức, gần như chỉ sau một đêm, trong cách Nga tuyên truyền và vận hành truyền thông” - tờ Euronews dẫn nhận định của TS Joris Van Bladen, chuyên gia từ Viện Egmont (Bỉ) về sự thay đổi bất ngờ trong lập trường của Moscow.

Thay vì chỉ trích chính quyền mới ở Damascus như nhiều người dự đoán, hôm 11-12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov để ngỏ khả năng Moscow sẽ thiết lập quan hệ với chính quyền mới. Theo TASS, ông Peskov lưu ý rằng Nga đã hỗ trợ Syria chống lại khủng bố và ổn định tình hình sau năm 2015 và tình hình sắp tới sẽ “tùy thuộc vào hành động của chính quyền mới ở Syria”.

Tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Syria hiện bước vào giai đoạn chuyển tiếp mà chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức mới và Nga sẽ đoàn kết với người dân Syria, cam kết tôn trọng chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Kênh Al Jazeera dẫn nhận định của PGS Alexey Muravyev rằng việc Nga cấp quyền tị nạn cho ông al-Assad là nhằm gửi thông điệp đến “các khách hàng và bạn bè của Nga ở vùng Vịnh, Trung Đông, cũng như ở châu Phi, châu Á” rằng Moscow sẽ không bỏ rơi đồng minh.

Vì sao Nga và lực lượng đối lập Syria sẵn sàng bắt tay nhau?

Trong những năm gần đây, Nga đã xây dựng nhiều dự án tại Trung Đông, từ thương mại đến các dự án năng lượng và vận tải quy mô lớn với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Nga còn tìm kiếm vai trò trung gian trong các xung đột địa phương và hợp tác với các nhóm thân Iran nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, việc mất Syria có thể làm gián đoạn tham vọng của Nga trong khu vực vì hai căn cứ quân sự của Moscow tại Syria đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông và châu Phi.

Các căn cứ quân sự này không chỉ là biểu tượng thành công trong quá khứ, mà còn là mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Nga. “Rõ ràng, Nga đang muốn thiết lập quan hệ với chính quyền mới càng sớm càng tốt để bảo vệ các tài sản quân sự tại Syria. Điều này rất quan trọng vì đây là cửa ngõ của Nga vào Trung Đông” - theo TS Van Bladen.

Nga và lực lượng đối lập Syria bày tỏ thiện chí thiết lập quan hệ ngoại giao (1).jpg
Căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở TP Latakia (Syria). Ảnh: GETTY IMAGES

Nga hiện sở hữu hai căn cứ quân sự chiến lược tại Syria: căn cứ hải quân Tartus ở bờ Địa Trung Hải và căn cứ không quân Khmeimim gần TP cảng Latakia. Các chuyên gia nói với kênh Al Jazeera rằng cả hai căn cứ đều phản ánh tham vọng quốc tế của Nga, đóng vai trò không chỉ là bàn đạp cho các chiến dịch hỗ trợ chính quyền Syria mà còn là cơ sở để Moscow gia tăng ảnh hưởng trên khắp khu vực Địa Trung Hải và châu Phi.

“Cả hai căn cứ đều quan trọng đối với Nga” - ông Mark Galeotti, giám đốc công ty Mayak Intelligence (một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại Anh), nhận định.

Theo chuyên gia này, vì Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosphorus - một tuyến hàng hải quan trọng nối Biển Đen với Địa Trung Hải, nên nếu không có căn cứ Tartous ở Syria, Nga sẽ phải sử dụng các cảng ở Biển Baltic để đưa tàu chiến đến Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, hành trình từ Baltic dài và tốn kém hơn rất nhiều vì phải đi vòng qua Tây Âu. Điều này làm giảm khả năng triển khai nhanh lực lượng hải quân Nga tại Địa Trung Hải.

Tương tự, căn cứ Khmeimim là nơi Nga triển khai lực lượng không quân để hỗ trợ các hoạt động quân sự không chỉ ở Syria mà còn ở các khu vực khác, bao gồm châu Phi. Nếu Nga không còn Hmeimim, các chuyến bay quân sự đến châu Phi sẽ phải đi qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia khác trong khu vực. Điều này phụ thuộc vào thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ, nên sẽ rất bất tiện với Nga.

Còn với chính quyền mới ở Syria, lực lượng này cũng cần Nga để đạt được tính chính danh quốc tế, đặc biệt khi Mỹ và châu Âu không vội vàng công nhận chính phủ mới ở Syria. Nga có thể là đối trọng hiệu quả với ảnh hưởng của Mỹ tại Syria, đồng thời đóng vai trò trung gian trong các vấn đề nhạy cảm như quan hệ với Israel hay các nhóm dân tộc khác.

“Đối với lực lượng đối lập Syria, Iran sẽ luôn là đối thủ nhưng đối thoại với Nga có thể là lựa chọn hợp lý” - theo chuyên gia Galeotti.

Trên cơ sở này, theo các chuyên gia, viễn cảnh Nga đảm nhiệm vai “người kiến tạo hòa bình” tại Syria, ít nhất là trên danh nghĩa, không có gì bất ngờ.

Bốn ưu tiên của chính quyền mới ở Syria

Tờ The Conversation chỉ ra bốn ưu tiên để chính quyền mới của Syria để tìm kiếm sự ổn định lâu dài.

Đầu tiên là củng cố quyền lực. Lãnh đạo mới của Syria cần giải quyết hợp lý các nhóm vũ trang đối lập, đặc biệt là tàn dư của chính quyền cũ và phân chia quyền lực giữa các phe phái đối lập.

Thứ hai là tìm kiếm sự công nhận quốc tế. Syria là một nơi rất phức tạp và đa dạng, do đó chính phủ mới chỉ có thể duy trì nếu giành được sự công nhận quốc tế.

Thứ ba là nhanh chóng thành lập chính phủ mới. Hiện chưa rõ lực lượng đối lập Syria sẽ thiết lập loại trật tự chính trị nào trong nước nhưng giới quan sát tin rằng sẽ là một chính phủ không cực đoan như Taliban ở AÀghanistan.

Cuối cùng là tái thiết đất nước và duy trì đoàn kết để ngăn chặn một cuộc nội chiến khác bùng nổ. Trọng tâm của hoạt động này sẽ là tái xây dựng, hòa giải và thúc đẩy điều kiện cho người Syria hồi hương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm