Cả nước vẫn đang hướng về miền Trung ruột thịt. Bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM vẫn đang chung tay góp công góp của nhằm san sẻ những khó khăn với đồng bào miền Trung. Với sự lan tỏa và tương tác mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH), việc người dân tham gia huy động các nguồn lực càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo Th.S Công Hoàng Thuận - giảng viên khoa công tác xã hội trường ĐH Lao động- Xã hội Cơ sở II TP.HCM - người có nhiều kinh nghiệm trong các dự án xã hội giúp đỡ người yếu thế, việc nhân dân cả nước đang ra sức giúp đỡ đồng bào miền Trung là một biểu tượng rất lớn cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt. Đây là tài sản lớn nhất của người Việt lúc này. Với tinh thần này, khó khăn nào người dân chúng ta cũng có thể nắm tay nhau cùng vượt qua gian khó.
Thạc sĩ Công Hoàng Thuận. Ảnh: PV
Người Việt luôn che chở cho nhau khi gian khó
. Phóng viên: Thưa ông, những ngày qua thiên tai liên tiếp xảy đến với miền Trung. Ông đánh giá như thế nào về việc người dân cả nước đang chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung những ngày qua? Có phải vì bây giờ có MXH nên việc huy động các nguồn lực giúp đỡ miền Trung đạt được nhiều kết quả hơn?
+ Th.S Công Hoàng Thuận: Thời gian qua, Việt Nam và cả thế giới đang căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 thì Việt Nam còn chịu thiệt hại nhiều hơn do phải hứng chịu thiên tai. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã cập nhật được tin tức hàng ngày, hàng giờ từ miền Trung. Người dân đã ngay lập tức có nhiều hoạt động rất kịp thời để giúp đỡ đồng báo miền Trung. MXH có vai trò rất tích cực trong việc lan truyền thông tin và có tính tương tác lớn, nên chúng ta đã huy động được nhiều nguồn lực hơn trong thời gian ngắn và cấp bách.
Nhưng không phải từ khi có MXH thì dân mình mới có tương trợ lẫn nhau kịp thời như vậy. Tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau là một nét tính cách của người Việt, là căn tính của dân tộc ta. Càng trong gian khó, chúng ta càng đoàn kết.
Những năm trước, khi xảy ra thiên tai, miền Trung cũng luôn nhận được sự giúp đỡ của nhân dân cả nước. Làm công tác xã hội, tôi biết rằng việc huy động các nguồn lực để giúp đỡ người dân vùng khó khăn không khó. Dân mình có tính san sẻ rất lớn. Người đang gặp khó khăn cũng sẵn sàng san sẻ cho người khó khăn hơn mình. Đây chính là truyền thống, là tài sản quý giá của tinh thần Việt. Chúng ta cần phát huy, vun đắp cho tinh thần đó, nhất là trong những lúc cấp bách như những ngày vừa qua.
Miền Trung cần, cả nước chung tay
Cần hỗ trợ, tham gia cùng nhau thay vì chỉ trích
. Một trong những nhân vật nổi bật nhất trong dòng thời sự những ngày qua là ca sĩ Thủy Tiên. Cô ấy đã huy động được số tiến rất lớn, trên 150 tỷ đồng. Bên cạnh nhưng chia sẻ, ủng hộ thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng khó mà giám sát hoặc minh bạch hóa số tiền rất lớn này, ông nghĩ sao về câu chuyện này?
+ Tôi theo dõi thông tin những ngày qua và cũng đã đọc được các ý kiến đa chiều về công tác từ thiện của Thủy Tiên để có thêm kinh nghiệm cho công tác xã hội. Tôi đã trực tiếp tham gia các công tác hỗ trợ cho đồng bào vùng khó khăn, nên tôi hiểu là công tác tổ chức các hoạt động cứu trợ cần được chuẩn bị rất kỹ mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu, là vừa đảm bảo hỗ trộ đúng người- đúng nhu cầu- đúng thời điểm, vừa làm hài lòng những mạnh thường quân đã ủy thác cho mình.
Tuy nhiên, đó là yêu cầu đặt ra cho những người có chuyên môn về công tác xã hội. Tôi cho rằng trong trường hợp của Thủy Tiên, việc làm của Thủy Tiên là đáng biểu dương. Chúng ta cũng phải trân trọng những người tham gia đóng góp cho cô ấy. Chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực của câu chuyện. Những người có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn thì thu hút các nguồn lực dễ hơn, nhiều tiền hơn tức là nhiều người được giúp đỡ hơn.
Về mặt cá nhân, tôi cũng dự liệu được những khó khăn không sớm thì muộn sẽ đến với Thủy Tiên. Bởi một người đứng ra làm thì có thể gặp khó khăn, quá tải. Bạn khó có thể một lúc vừa làm trọn công tác cứu trợ vừa có thể làm trọn việc ghi chép, nhập liệu để công khai minh bạch tài chính. Và trong số các ý kiến trên MXH, đã có những ý kiến tập trung vào mặt trái của câu chuyện, đâu đó có những người mích lòng, bức xúc. Trong số đó, có cả ý kiến của những người có sức ảnh hưởng nhất định trên MXH.
Tôi cho rằng, chúng ta hãy hỗ trợ cho Thủy Tiên và những người khác bằng cách giúp họ kết nối với các mạng lưới cơ sở. Họ sẽ giúp các mạnh thường quân điều phối, minh bạch và đảm bảo yêu cầu hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu và kịp thời. Không có sự hỗ trợ của địa phương, các tổ chức xã hội, các bạn có thể gặp những tình huống rất khó xử, rất khó công khai minh bạch nếu có bất đồng nào đó xảy ra.
Chúng ta cần hỗ trợ nhau để công việc chúng ta làm đạt hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn thay vì chỉ trích. Nếu thông tin bị nhiễu, chính cộng đồng chúng ta bị thiệt hại, những lần sau có thể sẽ khó huy động nguồn lực do người dân bất an, không biết tin tưởng vào đâu.
Đừng tập trung vào những bất cập cá biệt
. Trên MXH cũng có một số ý kiến, thậm chí là ý kiến của người nổi tiếng là dân mình quá dễ dãi khi đóng góp tiền, quà từ thiện. Hoặc một số người cho rằng từ thiện đang đi theo phong trào, dễ gây ra bất đồng, mâu thuẫn, tổn thương…
+ Những ý kiến đó tôi cũng có đọc được. Và tôi tin rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ có một số bất cập cá biệt. Nhưng trên hết, nên nhìn vào cái lớn hơn. Đó là người dân mình rất có trách nhiệm nhường cơm sẻ áo. Họ thông qua các tổ chức, cá nhân họ tín nhiệm để ủy thác việc giúp đỡ đồng bào. Tôi không thể đồng ý quan điểm cho rằng người dân mình dễ dãi. Đó chính là lòng trắc ẩn, là tình cảm, trách nhiệm của người dân dành cho đồng bào mình. Chúng ta cần tôn trọng tình cảm, cảm xúc của người dân thay vì phán xét như thế.
Chúng ta hay đặt câu hỏi cần câu hay con cá, tôi nói luôn là phải tùy hoàn cảnh. Trong lúc cấp bách, phải cung cấp cho người ta xâu cá trước cái đã. Việc tái thiết lâu dài thì tính chuyện cần câu. Khi đào tạo cho sinh viên khoa công tác xã hội, tôi luôn khẳng định rằng các nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng. Chúng ta phải trân trọng mọi sự đóng góp, các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn đều cần phải có nguồn lực hỗ trợ cái đã.
Đừng nhìn vào những bất cập cá biệt mà gây tổn thương, chia rẽ tấm lòng của nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung.
Chúng ta cho đi cái chúng ta có đã là điều đáng trân trọng. Nếu cho cái người nhận cần càng tốt hơn nữa. Một số đoàn từ thiện họ có người đi tiền trạm để biết bà con đang cần gì, cần hỗ trợ ra sao, phương án nào có thể mang đến hiệu quả lâu dài. Lúc này, chúng ta lại phải quay lại vấn đề là cần thúc đẩy ngành công tác xã hội (CTXH) phát triển và chuyên nghiệp hóa.
Hãy đặt lợi ích cộng đồng trên hết
. Như ông nói, ngành CTXH cần được phát triển, cần được chuyên nghiệp hóa hơn nữa. Vậy chúng ta có thể bắt đầu từ đâu?Và chúng ta cần tập trung cho điều gì?
Trong đề án phát triển nghề CTXH Việt Nam giai đoạn từ 2010-2020, Bộ LĐTBXH đã xác định mục tiêu đến năm 2020, công tác xã hội sẽ thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam. Ngành CTXH có năng lực giúp hỗ trợ , tài thiết cuộc sống người dân ở vùng trũng nghèo khó, nười dân vùng dân tộc thiểu số, ngời dân vùng thảm họa, thiên tai... Rất tiếc là đến thời điểm này chúng ta cũng chưa đạt được mục tiêu đó. Mục tiêu là năm 2020, mỗi xã phường có một cộng tác viên có nghiệp vụ về CTXH, họ có khả năng đưa ra giải pháp hỗ trợ toàn diện chứ không phải đơn giản là huy động và trao quà từ thiện, nhưng mới chỉ có một số tỉnh, thành xây dựng được mạng lưới CTV, là các tỉnh khó khăn, nhiều tỉnh thành khác không có. Chúng ta cần có chính sách để phát triển ngành nghề này.
Tôi theo dõi truyền thông, và nhận thấy truyền thông chính là một kênh có tác động rất lớn. Trong những lúc gian khó thế này, quan điểm đúng đắn của báo chí sẽ là điểm tựa nhân văn cho cộng đồng. Tôi rất vui khi báo chí đã cập nhật nhiều thông tin nóng hổi, chính xác, khắc họa những tấm gương hết lòng vì người dân, hi sinh vì người dân. Những thông tin này lan tỏa tinh thần cao thượng, đoàn kết, giúp lòng người vững vàng trước những thông tin nhiễu đến từ MXH.
Hiện nay, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đang tham gia hỗ trợ người dân khá tốt tốt. Một số nơi làm chưa tốt, mang tính cá biệt, nhưng đã được một số người khuếch âm lên như là một thảm trạng đang xảy ra khắp nơi. Điều này sẽ làm tổn thương cả hai phía, người trao và người nhận. Người ít theo dõi thông tin khi đọc được thông tin đó sẽ cho đó là thông tin phổ biến. Điều này khá là nguy hiểm vì khi họ mất niềm tin, họ sẽ chọn đứng ngoài cuộc, sẽ không tham gia vào các vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước nữa. Để làm cho xã hội tốt hơn, chúng ta cần phải hỗ trợ và cộng tác với nhau. Hãy đặt lợi ích cộng đồng trên hết.
Với tinh thần đoàn kết, nhân ái của người Việt, tôi tin rằng khó khăn nà chúng ta cũng sẽ vượt qua thôi.