Trường hợp nếu U-16 Ấn Độ vào bán kết giải châu Á thì suất thứ năm World Cup U-17 thế giới năm tới được xác định bởi bốn đội bị loại ở tứ kết châu Á qua ba trận play off (do Ấn Độ đăng cai World Cup U-16 nên có suất chủ nhà). Với điều kiện như thế và nhìn xuyên suốt cả quá trình, U-16 Việt Nam vẫn có những cơ hội nhất định nếu chuẩn bị chu đáo.
Bóng đá trẻ của châu lục không có sự khác biệt lớn, tuổi càng trẻ thì các đội tuyển Việt Nam càng có cơ hội chơi ngang ngửa. Lịch sử U-16, U-17 và U-19 Việt Nam cũng từng thắng và hòa các đội được đánh giá là mạnh như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật và thậm chí thắng cả Úc, Trung Quốc… Những thành tích đó từng thể hiện qua các đội U-16, U-19 Việt Nam lứa Văn Quyến, thời HLV Triệu Quang Hà và Hoàng Văn Phúc hay U-19 của HLV Guillaume Graechen. Ngay cả U-16 Việt Nam hiện là HLV Đinh Thế Nam đang dẫn dắt đá vòng loại châu Á năm ngoái đã hòa U-16 Úc và trước đó có ba trận toàn thắng…
Vòng chung kết U-16 châu Á năm nay diễn ra từ trung tuần tháng 9. Thời điểm hiện nay, nếu có mục tiêu và kế hoạch tập huấn rõ ràng thì U-16 Việt Nam vẫn có cơ hội đi đá World Cup U-17 năm tới. Điều quan trọng là VFF phải đặt niềm tin và tạo điều kiện tốt nhất để toàn đội có được sự chuẩn bị tốt nhất thay vì lơ là, hời hợt với suy nghĩ bảng xương thì sẽ không có thành tích.
Các cầu thủ trẻ Việt Nam, nhất là lứa U-16, U-17 có kỹ thuật tốt, nếu được mài giũa sức bền và sức mạnh thì đá rất khó chịu trước các đội to con như kiểu Úc hay Kyrgyzstan khi đối đầu. Chiến thắng các đội này không phải là điều khó nếu U-16 Việt Nam của thầy trò HLV Đinh Thế Nam có sự quan tâm và giúp đỡ tận lực của nhiều phía.
Hãy nhìn sang Futsal Việt Nam đấy, có ai ngờ họ lấy suất đi vòng chung kết World Cup bằng “cửa chính” hẳn hoi chứ không phải vé vớt. Sự may mắn chỉ đến khi có sự chuẩn bị chu đáo và nỗ lực hết mình mà thôi.