U-23 Việt Nam tại SEA Games 28: Giấu bài và rối bài

Ông thầy người Nhật ở trận thua này đã xào bài xoành xoạch đến nỗi người trong cuộc cũng cảm thấy… chóng mặt. Ví như Đức Huy chuyên đá tiền vệ trái ở đội Hà Nội thì trận này chơi từ hậu vệ biên trái, bị vây “đánh” nhiều quá dẫn đến bàn thua đầu nên ông Miura chuyển sang phải rồi 15 phút cuối lại nhảy vào đá trung tâm. Phi Sơn, Tiến Dũng, Thanh Hiền, Văn Toàn, Công Phượng đều phải đổi chỗ chiến thuật với mục đích làm người Thái rối vì không biết đối phương chơi trò gì.

Thế nhưng U-23 Thái Lan vẫn ra sân nhởn nhơ không cần quan tâm nhiều đến đối phương mà cái chính là vẫn giữ cho mình phong cách kèo trên quen thuộc. Cái cách vận hành lối chơi của họ với nhiều cầu thủ không phải chính thức lại cho thấy sự nhuần nhuyễn, đa dạng và hiệu quả hơn hẳn U-23 Việt Nam. Thầy trò HLV Promrut vẫn ở trên cơ với cùng một mục đích là giấu bài, giấu các nhân tố bí ẩn, dưỡng sức trụ cột và quan trọng nhất là biết cách duy trì cảm giác chiến thắng.


Đội hình 2 Thái Lan vẫn vượt trội hơn và nhịp nhàng hơn đội hình 2 ông Miura tung ra. Ảnh: QUANG THẮNG

Thầy trò HLV Miura đá với Thái Lan cứ như đối diện với… Nhật Bản giống như ở trận vòng loại U-23 châu Á bằng một đội hình có đến năm hậu vệ lại liên tiếp bị động và thiếu người ở những điểm nóng.

Chắc chắn ông Miura không muốn có một trận thua vì ông xác định chí ít là có trận hòa để giữ nhuệ khí cho học trò và thỏa mãn nhiệt huyết của gần 3.000 cổ động viên trên sân Bishan. Bởi cái cách thua đã nói lên tất cả khi bàn thua đều xuất phát từ sơ hở của hàng thủ phải gánh chịu sức ép quá nặng nề do các tuyến trên không giữ nổi thế trận.

Ông Miura muốn giấu bài trong khi trên sân thì các học trò ông rối bài thực sự với nhiều vị trí trái cựa nên dễ dàng nhiều lần mắc lỗi.

Nhiều người tiếc cho trận thua là sự lẫn lộn của ông Miura giữa việc cất nhiều trụ cột cho bán kết với việc cho cầu thủ dự bị đá trái sở trường. Nói đó là thử nghiệm thì không đúng nhưng bảo là giấu bài thì rõ ràng là chiêu đấy làm ảnh hưởng đến tinh thần từ một trận thua của đội hình 2 với đội hình 2.

Không thể nói U-23 Việt Nam sẽ xuống tinh thần chỉ sau trận đá như tập và không đặt nặng chuyện thắng thua nhưng nó vẫn lợn gợn một vết xước nhẹ trong lòng sau những chiến thắng chẻ tre.

Năm trận với năm đội hình và cách xáo trộn vị trí khác nhau, ông Miura mới chỉ một lần bị đánh bại vẫn cho thấy sự mong manh khi gặp đối thủ già dặn hơn.

Một trận cầu thủ tục suy cho cùng chẳng có nghĩa lý gì bởi cái đích của ông Miura là phải vượt qua bán kết và tái ngộ U-23 Thái Lan ở chung kết SEA Games mới cần lộ hết những con bài tẩy.

Vấn đề là phải lấy lại tất cả sau một trận thua và cầu thủ khi tập đá trái sở trường nhiều rồi trở về với vị trí thật của mình sẽ ra sao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm