Câu chuyện đau lòng về một nữ sinh ở Đồng Nai đã tìm đến cái chết khi hình ảnh clip ân ái của em và người tình bị đưa lên mạng xã hội. Cái chết của em để lại sự đau đớn cho cha mẹ, người thân cùng bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh và những bạn trẻ hiện nay.
Sáng 27-6, tại hội trường VASS số 2.2- 2.3 Phan Xích Long, Q. Bình Thạnh, TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: “Khi con rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội” do báo Thế Giới tiếp thị, TW Hội phụ nữ và Hội quán Các bà mẹ tổ chức.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải đang trình bày những nguyên nhân đưa con em mình vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội. Ảnh: Hồng Phúc
Buổi tọa đàm do Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải chủ trì, thu hút đông đảo các bậc phụ huynh tham dự cũng như giao lưu cùng hai vị khách mời: Bà Lê Thụy Bảo Nhi - Chuyên viên tâm lý và bà Phạm Thị Tuynh - Thạc sỹ giáo dục học.
Buổi tọa đàm xoay quanh vấn đề làm thế nào để con em mình không rơi vào vùng nguy hiểm của Mạng xã hội? Tại sao con cái chúng ta lại dễ bị tổn thương và có thể dẫn đến những cái chết đau lòng và cũng như cách đối phó khi con gặp sự cố do mạng xã hội gây ra?
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải đưa ra lời khuyên: “Trước khi cho con sử dụng mạng xã hội hãy dạy con cách ứng xử, cách làm người, phải giới hạn tuổi cũng như giới hạn thời gian để con sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, phụ huynh phải là người thành thạo, đi đầu trong công nghệ thông tin và làm gương cho con trẻ.”
Thạc sỹ còn nhấn mạnh: không nên chia sẻ thông tin riêng tư, hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội, đó cũng là yếu tố vô tình chúng ta đẩy con vào vùng nguy hiểm của Mạng xã hội bằng hình ảnh khoe con.
Còn chuyên viên tâm lý Lê Thụy Bảo Nhi chia sẻ: “Muốn con không rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội, chúng ta nên làm bạn với con ngay từ nhỏ, luôn đồng hành cùng con trong tiếp cận với mạng xã hội. Ngoài ra,. cần phải tin tưởng và tôn trọng các con. Đây là kinh nghiệm cũng như những giải pháp hiệu quả mà tôi đang áp dụng cho con mình khi bé mới làm quen với mạng xã hội.”
Theo thạc sỹ Giáo dục học Phạm Thị Tuynh: “Chúng ta cần yêu thương, quan tâm và chia sẻ với các con nhiều hơn ở ngoài đời thật và hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội thế nào là đúng cách và hiệu quả.”
Phụ huynh đặt câu hỏi giao lưu cùng các khách mời. ảnh: Hồng Phúc.
Bên cạnh đó, các khách mời cũng đưa ra các cách giải quyết khi con em mình không may bị mạng xã hội tấn công. Chúng ta không nên la mắng, đánh đập hay ruồng bỏ mà hãy dang rộng vòng tay che chở, an ủi các em. Giúp các em thoát khỏi mạng xã hội hoặc đưa các em vào “trại cách ly” bằng những chuyến đi xa, không điện thoại, không internet…Hãy là chỗ dựa tinh thần, là người bạn đồng hành để vực các em dậy khi chúng bị rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội. Đừng để xảy ra những cái kết đau lòng vì mạng xã hội.