Vaccine ngừa COVID-19 đã khó mua giờ lại còn đội giá

Tờ The Financial Times ngày 1-8 đưa tin hai hãng dược Mỹ là Pfizer và Moderna đã đồng loạt tăng giá vaccine ngừa COVID-19 bán cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong các hợp đồng ký mới. Cụ thể, giá mới trong các bản hợp đồng mới nhất cho một liều vaccine của Pfizer/BioNTech là 23,15 USD (tăng 4,75 USD so với mức 18,4 USD trước đây), giá một liều vaccine của Moderna là 25,5 USD (tăng 2,95 USD so với mức cũ 22,55 USD).

Theo giới chuyên gia, giá vaccine sẽ còn thay đổi trong thời gian tới bởi nhu cầu của các nước là rất lớn, chừng nào đại dịch vẫn còn lây lan mất kiểm soát và nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển trong việc tiếp cận nguồn vaccine chất lượng và cản trở mục tiêu phủ sóng vaccine công bằng trên toàn cầu.

Nhân viên y tế Thái Lan tại một trung tâm tiêm phòng chuẩn bị vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân thủ đô Bangkok ngày 25-7. Ảnh: REUTERS

Một liều vaccine “cõng” bao nhiêu chi phí?

Theo báo cáo hồi cuối tháng 7 của Liên minh quốc tế vaccine cho mọi người (GAVI), chi phí để sản xuất một liều vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna thường chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1,2 USD. Tuy nhiên, để định giá một liều vaccine trước khi tung ra thị trường, các nhà sản xuất tiếp tục tính thêm các chi phí cho bằng sáng chế và quá trình thử nghiệm lâm sàng, tức các khoản phí không liên quan tới quá trình sản xuất.

Hầu hết vaccine theo công nghệ mRNA như của Pfizer/BioNTech và của Moderna được phát triển một phần dựa trên các bằng sáng chế trước đó của bên thứ ba. Để sử dụng công nghệ này, Pfizer và Moderna mỗi công ty phải trả trung bình 75 triệu USD tiền bản quyền. Vaccine của Pfizer/BioNTech còn sử dụng một công nghệ do Viện Y tế quốc gia Mỹ phát triển năm 2016 nhằm thêm một cặp acid amin vào protein gai của virus SARS-CoV-2 để được các kháng thể nhận diện dễ dàng hơn. Chi phí phải trả để sử dụng công nghệ này có thể lên đến 1,8 tỉ USD.

Ngoài ra, các hãng dược còn phải trả thêm một khoản tiền khổng lồ cho các tình nguyện viên tham gia các vòng thử nghiệm để hoàn thiện vaccine. Chi phí trung bình mà Pfizer phải trả cho mỗi bệnh nhân là 7.000 USD tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Với khoảng 43.000 người tham gia thử nghiệm trong giai đoạn này, ước tính Pfizer phải bỏ ra ít nhất 300 triệu USD.

Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, vaccine ngày càng được xem là món hàng siêu lợi nhuận của các hãng dược. Hôm 29-7, Pfizer ra tuyên bố nâng dự báo doanh thu vaccine ngừa COVID-19 năm nay lên 33,5 tỉ USD, tăng 29% so với mức dự báo trước đó và bỏ xa các hãng dược khác. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở doanh thu của hãng dược phẩm này tăng gần gấp đôi trong quý II vừa qua khi Pfizer thu về tới 7,8 tỉ USD. Pfizer thậm chí còn có thể sẽ thu về nhiều hơn thế sau khi giới chuyên gia khuyến cáo những người đã tiêm đủ hai liều vaccine nên tiêm thêm một liều thứ ba bổ sung để duy trì khả năng bảo vệ trước biến thể Delta nguy hiểm.

Moderna cũng dự kiến sẽ công bố doanh thu trong quý II vào ngày 5-8 tới. Hồi tháng 5, hãng dược này từng dự báo sẽ đạt doanh thu 19,2 tỉ USD từ vaccine trong năm 2021. Còn hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) hồi cuối tháng 7 thông báo đã bán được gần 400 triệu liều trên toàn cầu, thu về khoảng 1,2 tỉ USD.

 

150-175

USD/liều vaccine ngừa COVID-19 là mức giá mà Giám đốc tài chính của Pfizer - ông Frank D’Amelio đề xuất hồi tháng 2. Theo ông D’Amelio, giá vaccine “vẫn còn thấp” do quá trình nghiên cứu cần nhiều năm và các hãng dược phải chịu rủi ro cao, cần đưa giá vaccine tiếp cận gần nhất có thể với quy luật cung cầu của thị thường để đảm bảo công bằng cho bên sản xuất.

Hàng rào giá thách thức phủ sóng vaccine

Tính toán tất cả chi phí để có được vaccine, GAVI khẳng định giá vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn còn có thể rẻ hơn ít nhất năm lần nếu các hãng dược không cố tình trục lợi từ việc độc quyền sản xuất và phân phối.

GAVI khẳng định các hãng dược như Pfizer và Moderna bán hơn 90% vaccine cho các quốc gia phát triển và “hét giá” gấp hàng chục lần chi phí sản xuất. Trong khi đó lại không có ý định chuyển giao đầy đủ công nghệ và sản xuất với bất kỳ công ty nào ở các nước đang phát triển mà nhiều khả năng là lo ngại mất thế độc quyền, giảm lợi nhuận vaccine bán ra.

Pfizer đang bán vaccine cho Liên minh châu Phi với giá 6,75 USD/liều và cho rằng đó là giá thấp nhất có thể. Tuy nhiên, giá một liều vaccine như vậy hiện ngang với số tiền chi tiêu y tế của Uganda cho mỗi người dân trong vòng một năm. Ở thị thường Israel, một liều của Pfizer/BioNTech có giá tới 28 USD, tức cao gần 24 lần chi phí sản xuất.

Đối với Moderna, theo tính toán của GAVI, hãng này cũng đã bán vaccine mức giá cao gấp 4-13 lần mức chi phí sản xuất. Colombia đã phải trả gấp đôi mức giá mà Mỹ trả cho vaccine Moderna (giá trung bình một liều vaccine của Moderna ở Mỹ là 28 USD). Nếu tính cả hai loại vaccine của Moderna và của Pfizer/BioNTech thì người dân Colombia đang trả giá cao hơn giá thực tới 375 triệu USD.

“Nếu không có độc quyền vaccine và hiện tượng hạn chế nguồn cung tăng giá thì đã có thể có đủ vaccine tiêm chủng đầy đủ cho dân số ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến phân phối vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay phải bỏ ra gấp năm lần số tiền cần thiết chỉ để mua đủ số vaccine cần thiết để hỗ trợ các nước này. Chính vì vậy, COVAX chỉ có thể kỳ vọng mục tiêu tiêm chủng tốt nhất cho 23% dân số thế giới cuối năm 2021” - GAVI nhấn mạnh.•

 

Khủng hoảng đạo đức trong khủng hoảng y tế

Theo chuyên gia Anna Marriott thuộc Tổ chức chống đói nghèo quốc tế Oxfam (có trụ sở tại Kenya), hành vi tăng giá của các hãng dược hiện nay không khác gì chèn ép người dân thế giới giữa lúc đại dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng từng ngày, từng giờ.

“Họ đang trực tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng đạo đức giữa một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Ngân sách ít ỏi của các nước đang phát triển vốn nên được dùng để nâng cấp hệ thống y tế lại rơi vào túi của các lãnh đạo hãng dược giàu có” - bà Marriott chỉ trích.

Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS - ông Winnie Byanyima đề nghị các nước phát triển hành động mạnh hơn nhằm phá thế độc quyền của hãng dược nói trên và chuyển giao công nghệ vaccine càng sớm càng tốt tới các nước đang phát triển để gia tăng nguồn cung vaccine toàn cầu.

Hỗ trợ các nước đang phát triển tự sản xuất vaccine, giảm giá vaccine và tăng nguồn cung là cách nhanh nhất để giải quyết đại dịch. Lấy HIV/AIDS làm ví dụ, khi các liệu pháp điều trị căn bệnh này được phổ biến thì giá thành của chúng giảm tới 90%” - ông Byanyima nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm