Vẫn băn khoăn về hội đồng trường

Sáng 6-1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 99 ngày 30-12-2019 của Chính phủ về hướng dẫn và thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại sáu điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Cần Thơ, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì.

Hội đồng trường phải thực quyền

Vấn đề được nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH trên cả nước quan tâm là việc tổ chức hội đồng trường trong các trường ĐH.

PGS-TS Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đặt vấn đề: Hội đồng trường hiện được thành lập theo quyết định ngày 6-12-2019 nhưng nhiệm kỳ 2018-2025. Thời điểm tính nhiệm kỳ của hội đồng trường được tính thế nào, có theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng? “Theo tôi hiểu, nhiệm kỳ hội đồng trường theo nhiệm kỳ hiệu trưởng có đúng không? Hội đồng trường chúng tôi đã thành lập theo đúng Luật Giáo dục ĐH và trường đã có hiệu trưởng thì có cần làm lại nhân sự hiệu trưởng hay không” - ông Công thắc mắc.

Tương tự, GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cũng kiến nghị làm rõ việc những hội đồng trường còn thời hạn nhiệm kỳ hơn sáu tháng phải điều chỉnh lại cho phù hợp với luật mới.

“Như vậy những hội đồng trường nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện quy định phải xử lý thế nào? Như vậy có cho các trường có thời điểm quá độ hay bắt buộc phải điều chỉnh ngay? - ông Phương nêu các băn khoăn.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT, cho hay các quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường. Do vậy, các trường cần căn cứ luật và nghị định để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết Nghị quyết 19 cũng quy định rõ bí thư đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường. Các trường cần phải thực hiện theo đúng luật và hướng dẫn của nghị định.

 “Không chỉ Bộ GD&ĐT mà chính các bộ chủ quản, cơ quan chủ quản phải thay đổi nhận thức, không can thiệp hành chính thì hội đồng trường mới thực quyền. Ngay cả chủ tịch hội đồng này là vị trí để thông qua các quyết sách lớn chứ không phải là nơi tăng thêm quyền cho hiệu trưởng” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch hội đồng trường, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PHẠM ANH

Xử phạt nghiêm, tăng trách nhiệm cho người đứng đầu

Theo Bộ trưởng Nhạ, thời gian tới bộ sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 138 về xử phạt hành chính trong giáo dục để trình Chính phủ ban hành. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các trường tự chủ, khuyến khích tạo động lực cho các trường phát triển. Do đó trách nhiệm của nhà trường là phải kiện toàn tổ chức, thể hiện năng lực, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo bộ trưởng, luật mới này mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, trong đó gắn chặt trách nhiệm giải trình, tức các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chuẩn giảng viên, các quy định chuẩn chương trình được kiểm định, các điều kiện đảm bảo chương trình đào tạo và thực hiện công khai, minh bạch qua cơ sở dữ liệu.

“Việc kiểm định và công khai sẽ giúp người học chọn được chính xác trường có chất lượng. Những vi phạm sẽ được bộ phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm. Các trường không đảm bảo chất lượng, chất lượng kém chắc chắn thí sinh không lựa chọn, khả năng giải thể cao. Việc này không phải gây khó dễ mà là giúp các trường phát triển bền vững và chuẩn chỉnh hơn” - Bộ trưởng Nhạ nói.

Sẽ có chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực đào tạo

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định về chuẩn đầu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực. Dự kiến năm 2021 sẽ áp dụng cho các lĩnh vực: Sức khỏe, kỹ thuật, kế toán-tài chính, du lịch, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Và năm 2023 sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại.

Khi tăng cường tính tự chủ, các trường tự chủ mở ngành nên hệ thống ngành học sẽ rất nhiều, chưa kể cùng một ngành nhưng mỗi trường đào tạo mỗi khác. Do đó chuẩn đầu ra này sẽ là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của từng đơn vị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm