Những đội trẻ của bóng đá Việt Nam như U-16, U-17, U-19 khi thi đấu với các đội cùng lứa của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên thì ngang ngửa và thậm chí là thắng thuyết phục. Điển hình tuần này, U-17 Việt Nam (do các cầu thủ trẻ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG đại diện) thua sát nút U-17 Nhật 1-2 và thắng đại diện U-17 Trung Quốc 1-0…
Xa hơn là những đội U-16, U-19 Việt Nam từng hòa và thắng U-19 Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên tại vòng loại châu Á và có lần vô địch Đông Nam Á ở lứa tuổi U-16…
Thế nhưng khi lên lứa U-21, U-23 thì đi xuống nhanh và nói như giới bóng đá là “càng lớn càng chột”.
Bóng đá Việt Nam từng có nhiều đội trẻ có nhiều tài năng chẳng hạn như lứa U-16 của HLV Hoàng Văn Phúc trước đây từng vào vòng chung kết châu Á. Hay lứa U-19 của Triệu Quang Hà cũng vậy… Thế nhưng sau khi tìm được một thế hệ giỏi ấy, công tác chăm lo, tạo điều kiện tập trung thường xuyên và thi đấu quốc tế thường bị lơ là, không quan tâm khiến từng thế hệ ấy tan đàn xẻ nghé.
Lứa cầu thủ trẻ từng thu hoạch những thành tích ở châu lục nhưng lớn lên vào môi trường “người lớn” thì “chột”. Ảnh: XUÂN HUY
Các chuyên gia bóng đá nổi tiếng, ngay cả HLV Calisto cũng cho rằng muốn có một thế hệ cầu thủ giỏi thì họ chơi cùng nhau từ tuổi 15, 16 lên đến đội tuyển quốc gia. Với thời gian ấy, họ chơi cùng nhau ít nhất 45 trận trở lên, đó là điều kiện để trở thành một thế hệ vàng.
Ngoài việc thiếu trau chuốt ở từng lứa cầu thủ tài năng để tạo cơ hội cho tập thể ấy cùng nhau thi đấu với những đối thủ cao hơn nhằm tiến bộ còn có một nguyên nhân khác là cầu thủ trẻ quá ít cơ hội cọ xát.
Thứ đến là môi trường để những lứa cầu thủ ấy thi đấu. Trước đây, Thể Công từng gửi 40 cầu thủ trẻ sang Bulgaria đào tạo bốn năm. Về nước họ chơi bóng thật ấn tượng, mạnh khỏe, chơi bóng nhanh, kỹ thuật tốt, chiến thuật rất cao.
Tuy nhiên, sau đó khi về nước, chỉ một năm sau những “hạt nhân” ấy của Thể Công cũng mờ nhạt dần rồi tan đàn xẻ nghé vì không đầu tư duy trì trong môi trường chuyên nghiệp nữa. Nhiều cầu thủ trôi dạt về có đội hạng nhất Tây Ninh, An Giang rồi cũng giải tán.
Bây giờ chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 bóng đá Việt Nam lên tốp 10 châu lục. Mục tiêu ấy sẽ bất thành nếu không có những sự vun đắp, bồi dưỡng những thế hệ trẻ tài năng. Bởi khi ta thực thi Đề án 2030 thì không phải 10 nước hàng đầu châu lục hiện nay giậm chân tại chỗ cho ta qua mặt. Trong bất kỳ thời điểm nào, bóng đá Việt Nam vẫn không thiếu tài năng trẻ nhưng cách đào tạo, quản lý bóng đá trẻ hiện đang lạc hậu và bị căn bệnh thành tích chi phối rất nặng. Rõ rất là hai đội U-16 và U-19 từng giành quyền vào vòng chung kết châu Á nhưng sau đó thì chẳng ai quan tâm tạo điều kiện cho những lứa này.
Bóng đá trẻ “chột” là do trách nhiệm của người lớn.
“Xuất phát điểm bóng đá Việt Nam không thua quốc gia nào trên thế giới” Trưởng đoàn Bóng đá Việt Nam dự giải trẻ châu Á năm 2000 (lứa Văn Quyến quật ngã U-16 Trung Quốc) từng phát biểu trước các quan chức bóng đá rằng xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không hề thua một quốc gia nào trên thế giới. Ông Thanh khẳng định điều ấy bởi ông là người làm công tác trẻ và tìm hiểu rất kỹ về tố chất bóng đá trẻ ở Việt Nam. Ông Thanh nói điều quan trọng là công tác dưỡng dục và duy trì để các em từ những hạt mầm không thua kém ai đến lúc thành cây sẽ thế nào. Điều này có thể thấy rất rõ ở lứa cầu thủ trẻ HA Gia Lai kết hợp với Arsenal đã được tu dưỡng về nhiều mặt và đầu tư nghiêm túc để phát triển đúng hướng thành cầu thủ chuyên nghiệp. NN |
DUY ÂN