HLV Miura hiểu hết nhưng có lúc vẫn phải nói “nước đôi” về những ca chấn thương của cầu thủ. Ảnh: XUÂN HUY
Thực chất thì ông Miura không “nai” đến độ phải phân vân giữa hai giả thiết do ông hay do nền tảng của bóng đá Việt Nam bởi ông đã từng “nhồi” đội Olympic khi dự Asiad 17 và đội tuyển chuẩn bị AFF Suzuki Cup rồi. Cách ông làm hiện nay không khác nhiều với cách chuyên gia thể lực Tavares năm 1995 từng nhồi cho hai đội tuyển Việt Nam 1 và Việt Nam 2 chuẩn bị Cúp Độc Lập 1995. Đó là những bài tập vòng tròn để nâng sức mạnh, sức bền và cả sức nhanh trong quỹ thời gian ngắn chỉ 25 ngày trước giải khiến có chuyên gia của Việt Nam lúc đấy báo cáo lên Tổng cục TDTT lo lắng cứ tập như vậy thì cầu thủ Việt Nam vỡ tim mà chết.
Những bài tập hồi đấy không mới nhưng tần số và thời gian nghỉ giữa mỗi chu kỳ của bài tập vòng tròn rất ngắn khiến nhịp tim cầu thủ tăng rất cao.
Tuy nhiên, sau đó thì chẳng cầu thủ Việt Nam nào vỡ tim cả mà ngược lại họ thi đấu ở Cúp Độc Lập với hai đội hình Việt Nam 1 và 2 thi đấu trên cả sức của các cầu thủ Trung Quốc và Hàn Quốc. Lý giải về những bài tập rất nặng hồi đấy, ông Tavares giải thích vì ông là chuyên gia về thể lực và ông thấy nền tảng thể lực của cầu thủ ở các CLB rất kém nên ông buộc phải nhồi rất nặng để họ tích lũy. Thậm chí là những bài khởi động cũng buộc cầu thủ tốn nhiều sức chứ không đi từ cấp độ nhẹ đến trung bình như thông thường.
Sau thành công của ông Tavares thì lại có những lý giải rằng cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể chịu đựng được khối lượng lớn nhưng không nên lạm dụng. Cũng có ý kiến giải thích ông Tavares làm thế là để đốt giai đoạn vì ở CLB các cầu thủ được tập quá ít.
Nếu so với bài tập của ông Tavares hồi đó và của ông thầy Toshiya Miura bây giờ thì chưa chắc thời ông Miura tập nặng hơn. Tuy nhiên, những chấn thương liên tục và dày khiến nhiều người lo lắng có những sai số trong việc “nhồi” thể lực.
Đúng là bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp nhưng liều lượng và khối lượng tập luyện để tích lũy cho cầu thủ tại các CLB không cao. Thế nên ông Miura phải cải thiện chất lượng về thể lực của cầu thủ khi họ lên đội tuyển hay đội U-23 nhưng xét cho cùng thì đấy cũng chỉ là kiểu chữa cháy tạm thời như hồi ông Tavares “nhồi” để cầu thủ Việt Nam khắc phục trong quỹ thời gian ngắn.
Thực chất thì phần mà ông Miura không kiểm soát được không phải là bài tập của ông mà là nền tảng và những tích lũy lẫn những phần “sai” ở CLB mà cầu thủ Việt Nam vốn có thói quen tập ít ở CLB và vừa vào giải vừa điều chỉnh.