Cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sở hữu chất giọng ngọt ngào say đắm khiến bao người thổn thức. Tên tuổi của bà gắn liền với những vở tuồng tích, băng đĩa: Lan và Điệp, Ngao Sò Ốc Hến, Sao chưa thấy anh về... Từ đây, sân khấu cải lương vĩnh viễn vắng bóng một nữ nghệ sĩ tài hoa…
Mong được phục vụ khán giả đến hơi thở cuối cùng
Ca sĩ Quang Thành từ Mỹ bất ngờ, nghẹn lời khi hay tin nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ qua đời. Với anh, cố nghệ sĩ là cả tuổi thơ, là ký ức.
“Từ hồi mười mấy tuổi tôi đã đi coi chị hát. Giọng hát của chị đặc biệt lắm: Giọng trong, cao, là giọng kim, hát hơi dài không lẫn với ai được. Tôi nhận tin chị mất khi đọc chia sẻ của anh Thanh Điền, tôi bàng hoàng không tin vào mắt mình. Lần cuối cùng tôi gặp chị là cách đây khoảng ba năm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chị nói bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào chị cũng có thể tham gia diễn. Chị không có khái niệm giải nghệ. Chị muốn được phục vụ khán giả đến hơi thở cuối cùng” - ca sĩ Quang Thành nghẹn lời.
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đột ngột ra đi trong nỗi bàng hoàng tiếc thương của đông đảo nghệ sĩ và công chúng mộ điệu cải lương. Ảnh: PV
Với đạo diễn Thanh Hiệp, cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ là một người nghệ sĩ sống có nhân cách, biết giữ gìn hình ảnh của mình, luôn học tập làm mới mình để phục vụ khán giả. Sau khi được hãng đĩa Việt Nam mời bà ký độc quyền năm 1972 với ba bài tân cổ đầu tiênBiển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng với nghệ sĩ Minh Vương, bà đã tạo ấn tượng lớn trong lòng công chúng cho đến ngày hôm nay.
Từng cùng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sang Pháp lưu diễn hồi tháng 10-2013, đảm nhiệm vai trò MC chương trình “Về nguồn” do nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân - em gái của NSƯT Thanh Điền tổ chức, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã chiếm trọn tình cảm của công chúng tại Paris (Pháp). Không phải vì Thanh Kim Huệ của một quá khứ vàng son mà là một nghệ sĩ luôn hướng về cái mới trong ca diễn, trong sáng tác.
“Bà luôn hướng đến cái mới để thấy mình luôn năng động, cụ thể là trong cách xử lý câu vọng cổ với làn hơi ngọt ngào, truyền cảm, ca hơi dài nhưng chắc nhịp, có luyến láy nhưng không lạm dụng, vẫn giữ được tính nghệ thuật độc đáo của âm nhạc ngũ cung, đỉnh điểm nhất phải kể đến bài tân cổ giao duyên Tiếng chày trên sóc Bom Bo mà soạn giả Viễn Châu đã sáng tác, dựa theo bài hát cùng tên của nhạc sĩ Xuân Hồng.
Bà còn làm mới mình qua những vai diễn có số phận gai góc trong các kịch bản cải lương do bà sáng tác. Các tác phẩm bà viết như: Khúc ly hương, Nội ơi đừng ly dị, Xin đừng nói yêu em, Em ơi đừng khóc nữa… là những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, bám sát thời sự và giới thiệu nghệ thuật cải lương đến gần với giới trẻ. Tôi nghiêng mình trước bà và tin rằng giọng ca của bà, tài năng của bà vẫn tồn tại mãi theo thời gian” - đạo diễn Thanh Hiệp lặng người.
Tang lễ của NSƯT Thanh Kim Huệ được tổ chức tại nhà riêng ở quận 10, TP.HCM. Lễ viếng từ 19 giờ ngày 23-12. Lễ động quan sẽ được tổ chức lúc 7 giờ ngày 26-12, sau đó an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. |
Tình yêu bình dị
Nhắc đến Thanh Kim Huệ, người hâm mộ không chỉ nhớ tới một người nghệ sĩ tài hoa, khiêm tốn, mà còn nhớ về bà với một tình yêu bình dị.
Bà kết hôn cùng nghệ sĩ Thanh Điền vào năm 1975. Cố nghệ sĩ từng chia sẻ rằng thuở ban đầu bà chẳng ưa ông, thậm chí còn có ấn tượng xấu vì “người gì đâu mà vừa xấu đầu còn trọc nữa”. Ấy vậy mà trong một lần đoàn hát của mình di chuyển, chiếc chẹt (ghe) bị chìm nên cả đoàn phải bơi vào bờ. Tuy nhiên, cô và mẹ không biết bơi. Giữa lúc nguy khốn đó, nghệ sĩ Thanh Điền (chồng cố nghệ sĩ bây giờ) đã ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ hai mẹ con cũng như nhiều người khác trong đoàn. Bà phải lòng ông từ đó.
“Sau này tôi có nhiều dịp gặp chị ngoài đời, làm việc cùng chị. Chị khiêm nhường lắm, lúc nào cũng tươi cười chẳng bao giờ than phiền. Tôi thấy lúc nào anh chị cũng nắm tay nhau, xưng hô anh em, ngọt ngào lắm” - ca sĩ Quang Thành mỉm cười nhớ lại.
Kết hôn từ năm 1975, nắm tay nhau đi qua bao thăng trầm, giờ đây nghệ sĩ Thanh Điền chỉ còn một mình lẻ bóng…