Đó là câu chuyện tranh chấp tài sản sau ly hôn của gia đình ông HVT, vừa được TAND TP.HCM đưa ra xử phúc thẩm hôm 31-7. Dù là người một nhà, từng thương yêu, vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng đứng trước tòa, gia đình ông T. chia làm hai phe đối lập và hận thù. Ông T. lẻ loi một phe, vợ con ông và vợ chồng anh ông một phe.
Cả gia đình đi đánh ghen
Năm 1991, vợ chồng ông T. kết hôn và có hai con chung (một trai, một gái). Cuộc sống ở quê khó khăn, bà VTB (vợ ông T.) phải để con nhỏ cho chồng nuôi, vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ở nhà, ông T. ngoại tình. Người tình của ông không ai khác là thím dâu của mình. Chuyện đó như một sự xỉ vả đối với cả gia đình, dòng tộc nhà ông, làng trên xóm dưới ai cũng xôn xao. Khuyên bảo, can ngăn không được, các anh em và vợ con ông lên kế hoạch đi đánh ghen.
Canh lúc ông T. và người thím dâu vào nhà nghỉ ân ái, một nhóm người xông vào bắt quả tang, đánh đập hai người. Ông T. chống cự lại. Trong lúc ẩu đả, ông T. đã đánh một người em trai thương tích 2% nên bị bắt tạm giam.
Vì không có đủ chứng cứ phạm tội cố ý gây thương tích, ông T. được trả tự do. Về nhà, chịu không thấu sự khinh rẻ, những lời độc đoán kỳ thị của chính anh em, vợ con mình, ông T. xin ly hôn. TAND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp nhận đơn của ông. Từ đó, cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng xem ông như người xa lạ, không quen biết. Ông phải bỏ quê vào Sài Gòn làm phụ hồ.
Cuộc chiến giành tài sản
Ông T. cho biết trong thời kỳ hôn nhân, ông cùng vợ xây dựng được hai căn nhà, một căn ở TP.HCM, căn kia ở Quảng Ngãi. Sau ly hôn, ông không được ở trong căn nhà nào cả, lại bị đối xử tệ bạc nữa nên rất ức, kiện ra tòa để đòi phân chia tài sản. “Căn nhà, ruộng vườn ở Quảng Ngãi tôi không tranh chấp nhưng căn nhà ở thành phố thì mẹ con nó (mẹ con bà B.) phải nhường cho tôi. Bây giờ tuổi đã cao, phải đi làm thuê, chỗ ở không có nên cuộc sống của tôi rất khó khăn” - ông T. trải lòng. Tòa sơ thẩm đã tuyên căn nhà ở TP.HCM chia theo tỉ lệ 4/6, ông bốn phần, mẹ con bà B. sáu phần. Không đồng ý, ông kháng cáo, yêu cầu phải chia đôi căn nhà.
Đến tòa phúc thẩm, ông thui thủi một mình ngồi hàng ghế trên cùng, phía sau vợ con, anh em ông quây quần nói về vụ kiện. Họ nhìn ông bằng ánh mắt căm giận, trách móc và khinh bỉ. Lúc ông đứng lên trình bày là những cái bĩu môi dè bỉu kèm những lời nói chua chát của người thân.
Cả ông T. và bà B. đều giành công sức xây dựng căn nhà thuộc về mình, người kia không có công cán gì. Ông nói ông đi làm thợ hồ để dành tiền xây nhà. Bà nói tiền xây nhà là do bà bán vé số kèm với vay thêm của anh ông T. 100 triệu đồng mà gây dựng nên. Số tiền vay ấy đến nay vẫn chưa trả được. Vì vợ chồng bà đã ly hôn, anh ông sợ bị xù nợ nên đã cầm giấy tờ nhà, chờ ông T. trả nợ mới giao lại giấy tờ. “Cả gia đình tôi không còn xem nó là người thân nữa. Việc nó làm như một gáo nước tạt vào gia đình tôi. Bây giờ tôi không tin tưởng nó nữa” - anh ông T. nói.
Ông T. cãi, lúc mua đất, xây nhà chưa xảy ra chuyện ông ngoại tình và cũng không nghe bà B. nói vay nợ của ai bao giờ nên không có trách nhiệm trả. Bà B. cho biết khoản nợ 100 triệu đồng đã vay là do bà vay từ từ, cộng dồn lại.
Cho rằng trong vụ kiện này tòa sơ thẩm chưa đưa anh ông T. vào là người liên quan đến vụ án là không đúng, tòa phúc thẩm đã ra quyết định hủy án, trả hồ sơ yêu cầu xét xử lại từ đầu.
Đơn độc tuổi xế chiều Phiên tòa kết thúc, những cái bĩu môi, những ánh mắt giận hờn của vợ con và các anh em mình đã làm ông T. buồn nát lòng. Ông nói nhìn thấy cảnh đó, ông vừa buồn vừa giận. “Tôi ngoại tình là có lỗi. Tôi đã rất hối hận và mong tha thứ. Nhưng lời tôi nói chẳng ai tin. Ai cũng mắng chửi, chì chiết, bảo tôi là thằng đàn ông mất nết. Bây giờ tôi như một người vô danh, không nơi nương tựa, không chốn nương thân”. Giọng ông chùng xuống: “Ngày đi làm, đêm về phòng trọ, tôi buồn lắm, nghĩ đến những chuyện đã qua mà khóe mắt cay. Có lẽ đó là một sự trừng phạt. Tết rồi, cả gia đình đã ngồi lại với nhau để tìm cách hàn gắn, hai đứa con cũng lì xì cho cha mỗi đứa 200.000 đồng, tôi nhận nhưng mà chua xót lắm. Lúc đi, tôi đã trả lại cho chúng. Gia đình ai cũng muốn hàn gắn mà họ bắt tôi phải viết giấy cho rằng “tôi đã đi ngoại tình”, bắt viết giấy cam kết tôi tự đánh em trai gây thương tích chứ không phải đánh để phòng vệ… thì mới tha thứ. Tôi không thể làm được điều đó. Chuyện đã qua rồi. Nhắc hoài, khổ tâm lắm! Nếu được chia căn nhà, tôi sẽ để dành sau này hai đứa con có gia đình làm quà cho nó trong ngày cưới. Chứ hằng ngày tôi đi làm phụ hồ cũng có thể nuôi mình được. Mình chịu cực, chịu khổ một chút để cho con. Chỉ mong rằng hai đứa con hãy hiểu và tha thứ cho cha”. Tôi gặp bà B. khi bà đang đi bán vé số. Bà nói rằng bà muốn kết thúc mọi chuyện ở đây, không muốn liên quan đến ông T. nữa. “Ông ta đáng bị trừng phạt như thế”. Tôi nói: “Giờ chú đã biết lỗi, cô hãy cho chú một cơ hội hàn gắn gia đình”. “Không. Nhìn thấy ông ta là tôi kinh tởm. Lòng vị tha của mẹ con tôi không thể đặt một nơi không đúng chỗ. Hai đứa con tôi cũng đã đến tuổi lập gia đình thì không thể có một người cha như thế trong ngày vui” - bà B. khẳng định. Nhìn ông T. thui thủi một mình, thư ký phiên tòa nói rằng chuyện xảy ra trong gia đình mỗi người nếu biết cư xử khéo léo một chút thì sẽ không gây nên sự hận thù. Đành rằng ông T. ngoại tình là không đúng nhưng tình thương ông ấy dành cho hai đứa con của mình rất nhiều. Điều đó thể hiện ông ấy là người đã quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các con mình từ lúc mấy tháng tuổi đến khi trưởng thành. Về khía cạnh làm cha, ông T. rất đáng được trân trọng. Đáng lẽ hai người con của ông nên tìm cách để hóa giải sự hận thù trong gia đình, đừng đứng về một phía như thế. Rồi đây, cả gia đình ông T. lại sẽ tiếp tục cùng nhau đến tòa. |