Vi phạm quy định phòng dịch: Phải buộc tự trả phí khi cách ly

Các quy định về phòng chống dịch COVID-19 đã có nhưng một số cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Xử phạt, cách ly tại chỗ có trả phí 

Vừa qua, lực lượng chức năng phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) phát hiện tại một phòng quán karaoke KTV nằm trong khuôn viên khách sạn VĐ đang hoạt động, trong khi tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu dừng toàn bộ các quán karaoke, bar để phòng dịch. Ngay sau đó, lượng chức năng đã phong tỏa cơ sở karaoke tại khách sạn VĐ, lập hồ sơ xử phạt các đối tượng, áp dụng biện pháp cách ly tại chỗ có trả phí và gửi thông tin về nơi cư trú.

Nhóm khách đang hát karaoke ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, đưa đi cách ly tập trung.

Theo quy định hiện nay tại Nghị Quyết 37/NQ-CP thì đối với người cách ly trong nước sẽ được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế; được cấp hỗ trợ mức 40.000 đồng/ngày cho chi phí sinh hoạt như nước uống, khăn mặt, bàn chải đánh răng, nước dung dịch rửa tay…

Còn đối với trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ thực hiện thu phí cách ly theo mức phí được quy định trong Công văn số: 7713/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ. Cụ thể, chi phí tiền ăn là 80.000 đồng/ngày. Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế: 40.000 đồng/ngày.

Như vậy, các trường hợp cách ly trong nước (người Việt Nam, người nước ngoài) cách ly tại các cơ sở chỉ định thì được hỗ trợ chi phí cách ly.

Liên quan đến sự việc nhóm người hát karaoke ở phường Bãi Cháy nêu trên, nhiều bạn đọc đã có ý kiến lên án những cá nhân, tổ chức đang trong thời điểm dịch căng thẳng mà không tuân thủ quy định phòng dịch. Đồng thời, hầu hết bạn đọc hoan ngênh cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm, xử phạt và buộc những người này cách ly và tự trả mọi chi phí trong thời gian cách ly.

Hậu quả khôn lường

Bạn đọc Trần Trung Phi chia sẻ: “Trong đợt bùng phát dịch lần này, Quảng Ninh cùng với Hải Dương là hai địa phương bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, đợt dịch lần này được cho là chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh và nguy hiểm. Vậy mà có một số người vẫn vô tư đi ca hát, chủ quan coi thường dịch bệnh. Việc làm của họ đã đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng và các quy định phòng chống dịch”.

Cũng theo bạn đọc Phạm Văn Điển, nhà nước đã có đầy đủ các quy định liên quan đến việc phòng chống dịch. Tùy tình hình mỗi địa phương mà cơ quan chức năng ban hành văn bản cụ thể như dừng hoạt động các quán karaoke, quán bar, hoạt động đông người, khai báo y tế đầy đủ… Biết vậy nhưng một số người vẫn cố tình vi phạm, bất chấp quy định phòng chống dịch.

“Chủ quán karaoke không mở cửa thì khách nào vào hát được? Những người này do vi phạm quy định phòng chống dịch nên  khi đưa đi cách ly tập trung thì không cấp kinh phí mà để tự những cá nhân này tự trả chi phí” – anh Điển chia sẻ. 

Bên cạnh về câu chuyện ý thức phòng chống dịch bệnh của một số cá nhân, tổ chức thì cũng rất nhiều bạn đọc đang lo ngại về hậu quả khôn lường từ những hành động thiếu ý thức nêu trên.

Bạn đọc Đặng Xuân Lộc bày tỏ: “Ổ dịch nào bùng phát cũng đều nguy hiểm và nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng. Ví dụ trong trường hợp những người đi hát karaoke, giả sử có người nhiễm COVID-19 và lây lan cho nhiều người nếu không phát hiện sẽ gây hậu quả lớn. Tới lúc đó, có hối hận cũng không kịp”.

 “Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, trong khi các cơ quan chức năng, người dân ra sức ngăn chặn dịch thì có một số người chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả. Để có cái tết đoàn viên, yên bình mong mọi người chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch, khai báo y tế đầy đủ, trung thực… Như thế không chỉ giúp mình mà còn giúp mọi người ăn tết an toàn” – bạn Thu Hiền bình luận.  

Các chế tài với người vi phạm quy định phòng chống dịch

Khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020, quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu cá nhân nào có hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Nếu tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ là từ 20 đến 40 triệu đồng.

Ở mức độ nghiêm trọng, cá nhân nào có những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, có thể bị truy tố về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm