Trưởng Ban tổ chức Olympic 2020 Yoshiro Mori, 82 tuổi đã bày tỏ thái độ trước gợi ý hoãn Olympic Tokyo sang tháng 7-2022, thay vì 2021.
Ông Mori nói: “Không có chuyện đó, hãy nghĩ đến VĐV, Ban tổ chức nước chủ nhà với các vấn đề quản lý và chi phí khổng lồ khác, khi việc hoãn một năm đã vô vàn khó khăn, bây giờ sao lại gợi ý hoãn hai năm".
"Riêng với VĐV, việc hoãn hai năm còn nảy sinh hàng loạt vấn đề kỹ thuật rất phức tạp trong việc tập luyện của họ”, ông nói thêm.
Hoãn Olympic một năm Nhật đã tốn thêm 3 tỉ USD, hoãn hai năm có thể đội hơn gấp đôi...
Chủ nhà Olympic Tokyo đã đánh giá sơ bộ khi Olympic hoãn sang năm 2021, Nhật tốn kém thêm 3 tỉ USD, nay Nhật quyết bảo vệ quan điểm Olympic Tokyo diễn ra từ 26-7 đến 8-8-2021.
Trong khi đó giới y học Nhật, các giáo sư, bác sĩ ngành y cũng có những quan điểm các nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
GS Kentaro Iwata chuyên về bệnh lây nhiễm của ĐH Kobe nêu quan điểm: “Tình hình dịch bệnh, bệnh lây nhiễm COVID-19 hiện nay ở Nhật tôi không nghĩ việc dời Olympic sang năm 2021 là khả quan, quá sớm để nói rằng dời sang cuối tháng 7-2021 là đảm bảo an toàn”.
Trong khi đó cũng nhiều giáo sư ngành y của Nhật lại nêu quan điểm rằng tình hình dịch bệnh sẽ sáng sủa, căn bệnh lây nhiễm này sẽ được đẩy lùi trong thời gian ngắn tới”.
Cách đây chừng nửa tháng, phía Trung Quốc có ý lên tiếng đề nghị Nhật tổ chức Olympic Tokyo vào năm 2021 sớm hơn tháng 7 để Bắc Kinh tổ chức Olympic mùa đông 2022 vào tháng 2 có độ giãn cách hơn sáu tháng để tiện công tác tổ chức của IOC lẫn các vấn đề chuyên môn khác. Bởi nếu Nhật tổ chức Olympic vào ngày 26-7 đến 8-8-2021 thì sau đó chưa đầy sáu tháng Bắc Kinh lại diễn ra Olympic mùa đông 2022.
Còn nếu như Nhật làm theo gợi ý của IOC, tức dời Olympic Tokyo sang tháng 7-2022 thì lúc đó Olympic mùa đông Bắc Kinh sớm trước Olymic mùa hè Tokyo chừng năm tháng.
Việc dời Olympic sang năm 2021 Nhật đã quá tốn kém, dời sang năm 2022 thì chi phí có thể đội lên hơn gấp đôi về công tác bảo quản, quản lý… các công trình thể thao, làng VĐV, tiền thuê đất…