Vì sao phụ nữ ngại... sinh con?

Vì sao phụ nữ ngại... sinh con? ảnh 1

Muôn kiểu “trốn” con
Cuộc sống gấp gáp, công việc ngày càng cạnh tranh nên một số chị em hạ quyết tâm lấy chồng nhưng không đẻ để toàn tâm, toàn trí vào việc thăng tiến sự nghiệp. Vì nghĩ vậy nên Lê Thị Hoan (ở Gia Lâm, Hà Nội) đã tham gia vào nhóm các gia đình không con. Đối với Hoan và các thành viên trong nhóm thì việc có con chẳng khác gì thêm cái dây buộc mình. Có con họ đâu có thời gian vào làm việc để kiếm tiền, làm sao có thời gian để học thêm cao học, tiến sĩ, những bằng chuyên ngành khác. Rồi thì mục đích sau 5 năm làm việc sẽ vào ví trí trưởng, phó phòng ở các cơ quan. Tất nhiên, những chí hướng ấy phải được thành hiện thực khi có sự cổ vũ, ủng hộ của những người chồng của họ. Nếu như Hoan vì sự nghiệp, thì Thu Trang trì hoãn việc đẻ lại với lý do là… sợ phải nuôi con. Trang là nhân viên văn phòng một nhà máy in tại Hà Nội vốn là con gái duy nhất trong nhà được bố mẹ cưng chiều. Từ nhỏ đến lớn, Trang chỉ biết mỗi việc học và chơi. Mọi việc trong nhà như cơm nước, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp đều có mẹ và người giúp việc làm. Bữa sáng do người giúp việc nấu sẵn đợi cô, tối về bữa cơm thịnh soạn cũng đã sẵn. Cứ thế, Trang lớn lên mà gần như chưa từng mó tay vào việc nhà. Quen ăn, quen chơi, thấy bạn bè cùng trang lứa lấy chồng đều có con và tất bật với việc chăm sóc, nuôi nấng con cái với hàng trăm việc không tên, Trang thấy toát mồ hôi hột. Bởi, chăm sóc cho bản thân cô, cô cũng chẳng làm nên hồn huống chi phải chăm sóc cho một đứa trẻ, công việc đầy rẫy khó khăn. Trang quyết định sau này sẽ tìm mọi cách trì hoãn việc có con. Quyết định ấy được thực hiện ngay sau khi Trang kết hôn. “Đồng cảm” với Trang là Trung, chồng cô. Vốn không thích dỗ dành khi trẻ con quấy phá nên khi Trang nói ý định của mình, Trung lập tức ủng hộ. Một lý do mà cánh phụ nữ ngại đẻ hay nói thẳng ra là do muốn giữ sắc đẹp. Chị Thanh (ở Biên Hòa) là một trong số ấy. Trong con mắt của chị, cứ ai đẻ một, hai con là y như rằng sắc đẹp bị... “xuống cấp”. Muốn giữ chồng, chị Thanh sợ mình cũng bị “xuống cấp” như vậy nên nhất quyết không chửa, đẻ để giữ eo thon. Học vấn càng cao càng… lười đẻTại hội thảo “Chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh” tổ chức tại Hà Nội ngày 27/3, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, cho biết phụ nữ hiện đại có xu hướng trì hoãn sinh con. Thời điểm 1999, mức sinh cao nhất ở phụ nữ lứa tuổi 20-24. Sau 10 năm, mức sinh cao nhất chuyển đã sang nhóm tuổi muộn hơn (25-29 tuổi) và kết thúc sinh khá sớm, trước 35 tuổi. Xu hướng giảm sinh diễn ra liên tục trong 10 năm qua và số con trung bình/phụ nữ của cả nước hiện đã đạt dưới mức sinh thay thế 2,03 con/phụ nữ. Có sự khác biệt về trình độ học vấn, vùng miền với số con và tuổi sinh ở mỗi người mẹ. Nhóm phụ nữ nông thôn vẫn sinh con sớm, ngược lại với mô hình sinh con muộn ở thành thị. Phụ nữ nông thôn, học vấn thấp, có số con trung bình cao hơn hẳn (2,14-3 con/phụ nữ) so với phụ nữ có trình độ từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (1,8 con/phụ nữ). Ở góc độ y tế, các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một, hai con. Các cặp vợ chồng trẻ chưa từng sinh con phải cân nhắc kỹ việc phá thai. Bởi, nạo phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ. Việc trì hoãn có con quá lâu cũng có thể là nguyên nhân của bệnh vô sinh. Ví như vợ chồng chị Quỳnh sau hơn 10 năm sống với nhau, quanh ra quẩn vào vẫn chỉ hai người nên họ thấy vô cùng hiu quạnh. Nhìn nhà bên, trẻ con nô đùa, vợ chồng chị bắt đầu muốn có con. Các loại thuốc tránh thai được ngừng sử dụng. Họ mong ngóng tin vui. Nhưng càng trông mong, họ lại càng thất vọng. Vợ chồng chị Quỳnh quyết định đi khám. Bác sĩ cho hay, vì chị từng uống các loại thuốc tránh thai bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ, hơn nữa tuổi chị đã cao nên khó có thể sinh con. Nếu có thai thì trẻ dễ mắc một số bệnh bẩm sinh. Cũng khó khăn về chuyện có con, vì phá thai nhiều lần, dạ con của Trang bị bào mòn dẫn tới việc khó đậu thai. Vợ chồng Trang - Trung thấy hối hận vì sự trì hoãn đẻ trước đây của mình.
Theo Bảo Châu (PLVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm