Trong nhiều ngày qua, hàng chục máy bay, tàu lớn của 6 quốc gia đã cùng tham gia quần thảo trên vùng biển được cho là nơi chiếc Boeing 777-200 của Malaysia mất tích. Thế nhưng, sau 4 ngày tìm kiếm cật lực, kết quả vẫn là con số 0.
Theo chuyên gia công nghệ hàng không Ron Bishop của Đại học Central Queensland, việc vắng bóng hoàn toàn những dấu vết của chuyến bay trên mặt biển cho thấy rõ máy bay khi rơi xuống biển vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
Máy bay boeing 777 của hãng Malaysia Airline
Theo chuyên gia Bishop, nếu máy bay phát nổ ở độ cao hành trình lúc bấy giờ (khoảng 10 ngàn mét) thì các mảnh vỡ sẽ văng xa từ 15 đến 20 km trên mặt biển. Ông nói: “Nếu nó phát nổ, tất cả các vật dụng bằng gỗ và giấy như nệm ghế ngồi, thùng chứa hành lý, tấm nhựa ốp trong máy bay, giấy tờ, tạp chí…sẽ nổi trên mặt biển”. Trong trường hợp của chiếc boeing này, người ta còn không dò ra được dấu vết của dầu loang, nó hoàn toàn bặt vô âm tín.
Giảng viên Ron Bishop ( Đại học Central Queensland)
“Điều này có nghĩa là nếu chiếc máy bay rơi xuống biển, nó đã còn nguyên vẹn và kéo theo toàn bộ những gì bên trong nó chìm xuống đáy đại dương. Thực sự đây cũng là một điều kỳ quái với một tai nạn máy bay thông thường, nó gợi sự liên tưởng đến tam giác quỷ Bermuda”, ông nói tiếp.
Trước đó, tờ New York Times đã dẫn lời một quan chức của Lầu Năm Góc, căn cứ trên thông tin của hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới, khẳng định không có vụ nổ nào trên biển Đông ở thời điểm đó.
Người dân Malaysia đang cầu nguyên cho những hành khách của chuyến bay MH 370
Ông Ron Bishop cũng cho rằng khó có khả năng chiếc máy bay gặp nạn rơi trên đất liền. Nhiều vụ máy bay mất tích mà vài năm, thậm chí vài chục năm sau người ta mới tìm ra dấu vết. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, người ta hi vọng rằng điều đó sẽ không xảy ra với chuyến bay MH 370.
PD