Việc cập nhật hệ điều hành và các bản vá bảo mật là điều quan trọng, nhưng tần suất cập nhật đôi khi có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng và buộc người dùng khởi động lại máy tính thường xuyên hơn.
Vì sao Windows lại cập nhật nhiều như vậy?
Bắt đầu từ Windows 10, Microsoft đã xem Windows như một dịch vụ và thường xuyên cung cấp các bản cập nhật tính năng mới, sửa lỗi, Windows Defender...
Khi Microsoft phát hành Windows 10 vào năm 2015, công ty đã lên lịch cập nhật tính năng 2 lần/năm và 1 bản cập nhật vào thứ Ba của tuần thứ hai hàng tháng (Patch Tuesday). Ngoài ra còn có các bản cập nhật không liên tục, sửa lỗi bảo mật và cập nhật driver.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Windows 10 phiên bản 21H2 ra mắt. Windows 10 hiện chỉ nhận được một bản cập nhật tính năng mỗi năm và cập nhật tích lũy trong vòng 18-30 tháng.
Windows 11 cũng tuân theo lịch trình cập nhật tương tự như Windows 10. Có một bản cập nhật tính năng hàng năm (hỗ trợ trong 24 tháng cho phiên bản Home và Pro, 36 tháng cho Enterprise và Education) và các bản cập nhật hàng tháng.
Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn cũng sẽ nhận được các bản cập nhật driver do những nhà sản xuất thiết bị gửi đến, sau đó Microsoft tổng hợp và phát hành cho người dùng.
Hầu hết các bản cập nhật đều được cài đặt tự động và không làm ảnh hưởng đến quy trình làm việc của bạn. Tuy nhiên, một số bản cập nhật lớn sẽ yêu cầu người dùng khởi động lại thiết bị, và điều này khá khó chịu.
Giống như tất cả các bản cập nhật phần mềm, các bản cập nhật Windows đôi khi có thể làm rối tung mọi thứ. Ví dụ, bạn có thể gặp sự cố về hiệu suất sau khi cập nhật, tuy nhiên những vấn đề này có thể giải quyết khá dễ dàng.
Làm thế nào để tắt cập nhật Windows?
Đầu tiên, bạn hãy nhấn tổ hợp phím Windows + S, gõ từ khóa Windows Update settings. Tiếp theo, người dùng chỉ cần chọn Advanced options - Pause updates - Pause until và thiết lập mốc thời gian tương ứng.