Đây là chương trình giáo dục công dân (giáo dục công dân) nằm trong kế hoạch hoạt động dạy học hai buổi/ngày của trường. Theo đó, ngoài tiết dạy bộ môn trên lớp dành cho buổi hai, trường tổ chức thêm những chuyên đề giáo dục kỹ năng, thực hành nhằm tạo hứng thú trong việc học, khuyến khích học sinh (HS) sáng tạo, có thêm nhiều kiến thức nền tảng để ứng dụng vào cuộc sống.
Gần 2.000 học sinh "đội nắng" tham gia chương trình. Ảnh: HOÀNG GIANG
Là người lên ý tưởng chương trình, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, chia sẻ: “Việc dạy môn giáo dục công dân ở lớp thường là những bài học lý thuyết, nhất là những vấn đề liên quan đến pháp luật như luật dân sự, luật hình sự… Qua chương trình, chúng tôi muốn trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật và cho các em có thêm trải nghiệm thực tế về những tình huống pháp lý đời thường, gần gũi”.
Mô hình đường phố, sa hình giao thông ngay giữa sân trường
Lần đầu tiên HS Trường THPT Trưng Vương trải nghiệm Luật Giao thông đường bộ với mô hình đường phố, những tình huống tham gia giao thông theo sa hình trực tiếp tại sân trường. Các em được chia nhóm nhỏ thảo luận, cùng giải quyết các tình huống một cách nhanh chóng.
Tình huống CSGT bắt một xe máy của học sinh đang cõng ba. Ảnh: HOÀNG GIANG
Em Ngọc Trâm (lớp 11A15) chia sẻ: “Những tình huống giao thông dở khóc dở cười như xe chở ba, lưu thông có nồng độ cồn... giúp em hiểu nhanh và sâu hơn về luật, em nhận ra mình thiếu kiến thức rất nhiều. Lúc trước em cứ nghĩ giấy phép lái xe và bằng lái xe là khác nhau.”
Học sinh tham gia giải quyết tình huống vi phạm giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG
Học sinh thích thú với những tình huống tham gia giao thông theo sa hình. Ảnh: HOÀNG GIANG
HS trải nghiệm phiên tòa giả định
Nhằm cho các em HS hình dung rõ hơn về luật hình sự, nhà trường đã phối hợp với TAND quận 12 tổ chức phiên tòa giả định cho các em tham gia trực tiếp.
Toàn cảnh phiên tòa giả định cho học sinh trải nghiệm về luật hình sự. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tình huống giả định được đưa ra là một vụ trộm cắp tài sản. Em Gia Hân (lớp 11A11) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia phiên tòa thực tế như thế này. Em cảm thấy rất thú vị và bổ ích, giúp em có thêm kiến thức về luật hình sự”...
Cùng chung quan điểm, em Trần Khải (lớp 11A12) nói: “Em hy vọng nhà trường sẽ tổ chức thêm những phiên tòa về án mạng, hiếp dâm… để giúp tụi em bổ sung nhiều hơn nữa kiến thức luật pháp”.
Học sinh tập trung theo dõi diễn tiến phiên tòa giả định. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngoài việc cung cấp cho các em học những kiến thức về luật giao thông, luật hình sự qua phiên tòa giả định, nhà trường còn mời Đại úy Trần Thị Hồng Nhung, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Điều tra, Giải quyết tai nạn và Xử lý vi phạm giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, ThS Lê Ngọc Nga, Phó Chánh án TAND quận 12, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM và nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, báo Sài Gòn Giải Phóng, đến tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc về ứng xử văn hóa nơi công cộng, giao tiếp với người xung quanh, các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè… Từ đó nhắn gửi đến các em thông điệp thực hiện văn minh ứng xử, sống đẹp, sống tốt.
Tiểu phẩm nữ sinh đánh bạn và quay clip đăng lên FB bêu xấu. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ban cố vấn trực tiếp giải đáp những thắc mắc cho học sinh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Học sinh tham gia trải nghiệm văn minh ứng xử trong học đường. Ảnh: HOÀNG GIANG