Ngày 5-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát về việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn TP giai đoạn từ 1-7-2013 đến 31-12-2019 tại huyện Bình Chánh.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết trong thời gian bảy năm, từ năm 2013 đến 2019, huyện Bình Chánh phát hiện hơn 33.000 vụ việc VPHC. Trong đó, đã ban hành quyết định xử phạt VPHC hơn 31.000 vụ việc, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, đất đai, xây dựng, môi trường, trật tự an toàn xã hội… Tổng số tiền phạt thu được là hơn 51 tỉ đồng.
Bình Chánh là địa bàn nóng về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là xây dựng không phép. Báo cáo về vấn đề này, ông Tài cũng nêu lên nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và những vướng mắc của địa phương trong thời gian qua.
Cụ thể, theo ông Tài, Bình Chánh hiện có rất nhiều dự án treo như dự án khu E trong khu đô thị Nam TP 24 năm chưa thực hiện, khu đô thị Sing Việt 19 năm, dự án hồ sinh thái hàng trăm hecta cũng 19 năm chưa triển khai. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT HOA
Ngoài ra, một bất cập khác đến nay cũng chưa được giải quyết là vấn đề quy hoạch. Bình Chánh là địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất cao, bình quân mỗi năm dân số tăng khoảng 40.000 người. Bên cạnh đó, các điều kiện về kinh tế-xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi nhưng từ khi chia tách địa giới hành chính (năm 2003) đến nay, huyện Bình Chánh vẫn sử dụng bản đồ quy hoạch cũ từ năm 1998 (điều chỉnh năm 2012).
Ông Tài cũng nói thêm là trong các quyết định xử phạt VPHC nêu trên, có gần 5.000 quyết định chưa thi hành xong và gần 1.500 quyết định bị cưỡng chế thi hành. Nguyên nhân do người vi phạm đa số chỉ tạm trú, không phải là người địa phương. Khi cưỡng chế, kinh phí do người vi phạm chi trả nhưng họ đã chuyển đi chỗ khác nên khó tổ chức thực hiện.
Ông Tài cũng cho biết Bình Chánh gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện Luật Xử lý VPHC. Chẳng hạn, khi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, người vi phạm không tự nguyện đóng tiền VPHC nên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu tiền. Việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm rất khó thực hiện vì các tổ chức tín dụng không cung cấp thông tin tài khoản của người vi phạm hoặc người vi phạm không mở tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng.
“Huyện Bình Chánh chuyển sang cưỡng chế bằng hình thức kê biên tài sản có giá trị tương ứng để bán đấu giá. Nhưng chưa có quy định hướng dẫn quy trình kê biên, đấu giá tài sản, trích nộp vào kho bạc. Do đó, cưỡng chế thu tiền xử phạt phần lớn không thực hiện được” - ông Tài nói.
Sẽ sớm đưa ra hướng xử lý Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nhìn nhận huyện Bình Chánh là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông, tình hình VPHC phức tạp, số lượng vi phạm nhiều, số lượng quyết định VPHC ban hành cũng nhiều với hơn 31.000 vụ việc. Tuy nhiên, với những quy định như hiện hành đã khiến địa phương có nhiều tình huống khó xử lý. Bà Tuyết ghi nhận những bất cập về việc thực thi Luật Xử lý VPHC tại huyện Bình Chánh và cho biết sẽ đưa vào nội dung bàn thảo sửa đổi luật này trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. |