Từ thực tế các vụ bạo lực ở lứa tuổi học sinh diễn ra gần đây, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM (trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) phối hợp với Hội Luật gia quận 3 đã tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THCS Hai Bà Trưng (phường 8, quận 3, TP.HCM).
Mâu thuẫn từ mạng xã hội
7 giờ sáng 21-11, khuôn viên Trường THCS Hai Bà Trưng đã có hơn 800 em học sinh đến tham dự phiên tòa giả định về vấn nạn học đường.
Vụ án được đưa ra tại phiên tòa giả định là một sự việc có thật đã được TAND quận 4 đưa ra xét xử phiên sơ thẩm trước đó.
Đại diện VKS bắt đầu đọc cáo trạng: Sự việc xuất phát từ hai em H. và M. (đều sinh năm 1999) mâu thuẫn nhau trên Facebook rồi hẹn nhau ra sân vận động Khánh Hội để giải quyết. Đến 17 giờ ngày 22-4-2014, H. chở thêm hai người bạn đến chỗ hẹn.
Khi hai nhóm đến chỗ hẹn, nhóm của M. thấy nhóm của H. đông người nên bỏ về. Sau đó, nhóm của M. đem chuyện này kể cho Tr. (sinh năm 1998) nghe. Tr. đã mượn hung khí (cụ thể ở đây là cây sắt) và nhờ người chở đến gặp H. để trả thù giùm bạn. Tại đây, Tr. đã dùng cây sắt đánh vào đầu và lưng H. khiến em bị thương tích trên 55%.
Luật sư Trần Thị Hồng Việt đóng vai chủ tọa phiên tòa. Các luật sư trong vai người bị hại, bị cáo, người đại diện pháp lý cho bị cáo, đại diện VKS… đã lần lượt trình bày sự việc cùng lý lẽ, ý kiến của mình.
Sau phần tranh luận giữa luật sư của bị cáo và đại diện VKS, chủ tọa cho bị cáo nói lời nói sau cùng. Nắm bắt tâm lý trẻ vị thành niên khi phạm tội, vị luật sư trong vai bị cáo đã phát biểu: “Bị cáo xin lỗi bị hại và gia đình bị hại. Bị cáo thật không ngờ chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có phát sinh trên Facebook mà giờ đây mình phải nhận hậu quả to lớn…”.
Luật sư của bị cáo tại phiên tòa giả định. Ảnh: HỒNG TRÂM
Vấn nạn học đường từ vụ Nhí Tino
HĐXX đã tuyên án bị cáo Tr. hai năm tù về tội cố ý gây thương tích. Buộc gia đình bị cáo phải bồi thường cho người bị hại tổn thất về tinh thần, chi phí bồi dưỡng sức khỏe, thu nhập bị mất với tổng số tiền là 50 triệu đồng.
Chủ tọa phiên tòa cũng đã phê phán hành động kêu gọi bạn bè đi giải quyết mâu thuẫn của M. và H. “Những bình luận trên mạng là những chính kiến ảo, có khi trong cuộc sống đời thường không tỏ rõ thái độ như trên mạng. Việc kết nối bạn bè qua mạng là một hình thức tích cực vì nơi đó bạn bè có thể bày tỏ bản thân mình. Nhưng chính từ việc bày tỏ bản thân trên mạng cũng đã tạo ra những ước muốn gây chú ý bởi người khác, dẫn đến bạo lực trên mạng và có khi còn trong cả đời thường, đó là thực tế của vụ án này. Do đó cả hai cần có biện pháp khắc phục về sau” - HĐXX nhận định.
Phiên tòa giả định kết thúc trong những tràng vỗ tay giòn giã của các em học sinh. Sẵn dịp, vị chủ tọa phiên tòa nhắc đến một câu chuyện tương tự xảy ra gần đây là Nhí Tino, Bà Dãnh đánh bạn đăng tải trên mạng xã hội. Đây là hồi chuông báo động cho vấn nạn bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt ở lứa tuổi học sinh.
Các học sinh ngồi bên dưới chăm chú lắng nghe. Em Nguyễn Ngọc Thanh Nhi (lớp 8/9) cho biết: “Phiên tòa thật sự rất bổ ích cho chúng em. Qua đây em học được mình nên sử dụng mạng xã hội đúng cách. Mạng xã hội sẽ giúp chúng em có thêm bạn bè để học hỏi nếu biết cách sử dụng, còn không thì sẽ gây ra nhiều tác hại lớn”.
Ngày 30-10, mẹ của TNHY (hay còn gọi là Nhí Tino, 16 tuổi, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) đã đưa con gái đến cơ quan công an trình diện. Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip Nhí Tino và ĐTTH (hay còn gọi là Bà Dãnh) đánh nữ sinh U. chỉ vì khen một bạn khác có nụ cười đẹp.
Các em học sinh chia sẻ suy nghĩ sau phiên tòa giả định. Ảnh: HỒNG TRÂM Nhí Tino là người đánh nhiều nhất, sau khi đánh U., cả nhóm kéo nữ sinh này về lại quán trà sữa tại khu phố 7, thị trấn Nhà Bè. Nhí Tino và Bà Dãnh dùng thuốc lá đốt vào mu bàn tay của nữ sinh U. Tại cơ quan công an, Nhí Tino và Bà Dãnh liên tục lau nước mắt, cả hai cúi mặt, nói lí nhí gửi lời xin lỗi đến gia đình U. _______________________________ Chúng tôi muốn cảnh báo đến gia đình, các em học sinh và nhà trường về vấn nạn bạo lực học đường đang gia tăng hiện nay. Đưa phiên tòa giả định vào trường học, chúng tôi muốn nhắc các em sử dụng mạng xã hội đúng cách vì đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bạo lực học đường trong thời gian gần đây. Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em Chúng tôi muốn truyền tải kiến thức pháp luật một cách gần gũi và hiệu quả nhất đến với các em học sinh. Hy vọng các em có thể rút ra được bài học để tránh những câu chuyện đáng tiếc về các mâu thuẫn trên mạng xã hội. Ông PHAN VĂN QUAN, Chủ tịch Hội Luật gia quận 3 |