Các nội dung trong đề đều trong phạm vi ôn tập của các em nên chỉ cần học bài trên lớp đầy đủ là có thể đạt 6 điểm. Những em chuyên và học thêm bên ngoài cũng rất dễ đạt 7 điểm trở lên.
Đề thi khá gần gũi
Theo cô Nga, cách ra đề hay, câu nào cũng có liên hệ thực tế trong cuộc sống. Như câu 1 còn có cả ảnh minh họa và nội dung câu 1 cũng khá gần gũi với các em.
Câu 2 tuy ngắn nhưng rất thú vị và mang tính giáo dục, định hướng cho các em.
Câu 3, đề 1, nói về thuyền đánh cá và tình yêu với biển quê hương cũng là nội dung được giáo viên đã ôn cho các em, mặc dù bài thơ này đã rất lâu không đưa vào đề thi nữa nhưng các giáo viên vẫn ôn khá kỹ.
Riêng đề 2, câu 3 về nghị luận xã hội có đột phá mới. Năm nay cho thí sinh chọn một trong hai đề cũng là ra đề lạ vì lâu rồi không ra dạng này. Cách ra đề này sẽ có sự lựa chọn cho các em hơn theo thế mạnh của mình. "Nhìn chung đề năm nay hay hơn năm trước. Kiến thức trong phạm vi ôn nên học sinh chuyên hay không chuyên đều có thể làm được. Ngoài kiến thức đã học, chỉ cần các em có thêm kiến thức từ trải nghiệm cuộc sống thì sẽ làm tốt và đạt điểm cao" - cô Nga nói.
Đề tập trung chương trình ngữ văn 9
Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên văn của Trường THCS Văn Lang, quận 1, cho rằng đề tập trung vào những kiến thức trọng tâm của chương trình ngữ văn 9. Xuyên suốt các câu hỏi là tập trung vào những nhận thức, suy nghĩ, hành động của giới trẻ hiện nay. Nên nó có tính giáo dục khá cao. Đề văn khá hay, mở, học sinh có cơ hội để trình bày những quan điểm, ý kiến của mình về những gì là mình, của mình và những quan sát của bản thân mình với thế giới xung quanh. Đề có cấu trúc như năm trước nhưng có tính phân hóa cao. Điểm 5 không khó với nhưng điểm 8, 9 thì không dễ. Đòi hỏi học sinh phải có khả năng hiểu sâu vấn đề và có cái nhìn đa diện.
Câu 2 đề cập về Tuổi trẻ có cần sống khác biệt? Câu hỏi mở, khá gần gũi với học sinh hiện nay. Đòi hỏi học sinh phải có những nhìn nhận, đánh giá về lối sống hiện nay của giới trẻ trong sự phát triển chung của xã hội. Từ đó đưa ra nhận thức của bản thân mình về vấn đề có cần sống khác biệt hay không? Có thì vì sao và không thì vì sao?
Câu về nghị luận văn học có 2 câu để các em lựa chọn. Câu đầu có trong chương trình sách giáo khoa vẫn là kiểu đề như mọi năm: 1 đoạn thơ và liên hệ với 1 văn bản khác hoặc thực tế. Năm nay đề ra về thơ nên cũng thuận lợi hơn cho các em khi làm bài. Và đề cũng mở ra 2 hướng liên hệ cho các em: Hoặc liên hệ văn bản khác hoặc liên hệ thực tế đời sống. Học sinh phải tỉnh táo đề chỉ lựa chọn 1 hướng liên hệ. Đề không quá khó những đòi hỏi học sinh phải thể hiện được nhận thức của mình về tình yêu, sự gắn bó với quê hương, đất nước.
Đề 2 của câu 3, đây là điểm mới của kì thi tuyển sinh năm nay. Mở ra nhiều hướng lựa chọn cho học sinh. Câu hỏi nằm ngoài chương trình và kiểu dạy truyền thống lâu nay của giáo viên để học sinh thi tuyển sinh. Câu hỏi này có thể khai thác thế mạnh của học sinh khả năng đọc, có năng khiếu viết, có khả năng tổng hợp các vấn đề từ 1 tác phẩm bất kỳ mà các em đọc.