Một mất một còn với Thái Lan mà họ không phải là đối thủ chính thì ai mới là đối thủ chính của U-22 Việt Nam?
Thực tế ở thời điểm này thì đối thủ của U-22 Việt Nam là chính mình và là một bộ phận dư luận có lúc “ném đá” Tuấn Tài, ném đá thầy trò HLV Hữu Thắng rất nhiều sau trận hòa Indonesia.
Hòa Indonesia không phải là thảm họa, nếu không muốn nói là có quyền nhận về cho mình chút tự hào. Bởi các cầu thủ trẻ đã chơi đúng nghĩa bóng đá và không cay cú theo một đối thủ đưa cả võ thuật vào bóng đá để đạt mục đích không thua.
Hy vọng đây là cái chỉ tay chia sẻ chứ không phải chỉ trích Tuấn Tài như một bộ phận dư luận đã lên án và miệt thị cầu thủ này. Ảnh: HUY PHẠM
Hòa trong thế trên chân, hòa với một lối chơi chủ động tấn công còn đối thủ thì làm mọi cách xấu xí để không thua thì không đáng để bị chỉ trích và bị “ném đá”. Chỉ có điều là các cầu thủ U-22 Việt Nam thiếu may mắn và nôn nóng trong việc tìm bàn thắng ở thế hơn người nên có lúc thiếu tỉnh táo. Rồi sự thiếu tỉnh táo đấy lan sang cả ban huấn luyện nhưng không có nghĩa là thất bại.
Không may và không hay trong 90 phút mà trong đó có 26 phút chơi hơn người không phải là thất bại trong cả một cuộc chơi. Vấn đề là chúng ta đón nhận và giải quyết từng phần trong hàng loạt cái không hay và không may trước Indonesia đấy như thế nào.
Tận dụng tốt hơn trong trận gặp Thái Lan và đừng nôn nóng rồi lao vào như thiêu thân. Tỉnh hơn trên sân và “sáng” hơn ở khu kỹ thuật… điều hoàn toàn có thể khắc phục và làm được.
Giải quyết được nút thắt Indonesia và sớm lấy vé thì không cần phải căng ra ở trận cuối với Thái Lan theo kiểu “một mất một còn” như chiều nay. Khó khăn chồng chất sau khi ta đánh mất một cơ hội nhưng rõ ràng là ta không đóng sầm cánh cửa của ta lại, trừ khi ta tự đóng và tự làm yếu mình sau 90 phút vắt kiệt sức cùng chịu nhiều mất mát về tinh thần.
Điều tôi lo lắng trước trận Thái Lan là các cầu thủ chúng ta bị phân tâm rất nhiều sau khi khẽ chạm một tay vào chiếc vé bán kết rồi bị giật ra và sẽ phải chờ thêm 90 phút với Thái Lan với mục tiêu không thua.
Lo vì họ bị phân tâm không phải vì chơi kém, vì thiếu nỗ lực mà vì phải nhận quá nhiều chỉ trích nên có thể đánh mất cả sự tự tin cần thiết khi đối đầu với Thái Lan.
Ngay cả HLV Hữu Thắng của U-22 Việt Nam cũng thế. Lẽ ra ông cần sự chia sẻ để bình tĩnh nhìn nhận ra cái được và mất sau 90 phút ép sân mà không có bàn thắng thì đằng này ông phải bận tâm nhiều vào việc giải thích mình không sai khi giữ Hồ Tuấn Tài - cầu thủ rất năng nổ, chạy rất nhiều nhưng lại quá “đen” trong những pha kết thúc.
AFF Cup 2008, khi đội tuyển Việt Nam trước ngưỡng cửa bị loại và Công Vinh bị chỉ trích rất nhiều vì không biết ghi bàn nhưng ông Calisto có cần giải thích với hàng triệu người không cùng quan điểm với ông đâu. Ông chỉ tập trung vào việc giữ yên cho nội bộ và tiếp tục đặt niềm tin nơi Công Vinh. Điều mà ông cho rằng mình đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định đấy. Và ông Calisto cũng may mắn hơn HLV Hữu Thắng bởi ông không phải là người Nghệ An nên dễ bị những thị phi gán cho việc ưu ái cầu thủ Nghệ An như Hữu Thắng với Tuấn Tài.
Điều đáng sợ không phải là Thái Lan mạnh mà là chúng ta tự làm mình suy yếu đi vì những tác động và nhiều phân tâm không đáng có.