Nghề phục chế sách xưa tại TP.HCM

(PLO)- Qua bàn tay phục chế tài hoa của anh Trịnh Hán Quang, những quyển sách cũ được hồi sinh nhằm phục vụ nhu cầu đọc và sưu tầm sách xưa, cũ của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nghề phục chế sách xưa tại TP.HCM

Anh Trịnh Hán Quang, 24 tuổi, một người trẻ hiếm hoi theo nghề phục chế sách xưa, cũ tại TP.HCM. Qua bàn tay của anh, những quyển sách dần được hồi sinh và tái sử dụng một lần nữa.

Đến với nghề từ thói quen đọc sách

Cơ sở phục chế, sửa chữa sách của anh Trịnh Hán Quang được thành lập từ hơn hai năm nay. Cơ duyên đến với nghề của anh bắt đầu từ việc đọc và sưu tầm những quyển sách cũ có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm.

Anh Trịnh Hán Quang, chủ cơ sở phục chế sách tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Anh Trịnh Hán Quang, chủ cơ sở phục chế sách tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Anh chia sẻ: “Mình chính thức bắt đầu công việc này từ đầu năm 2020. Trước kia chỉ đơn giản là đọc và đam mê với việc sưu tầm sách. Theo thời gian, mình muốn làm công việc liên quan đến sách vở, vô tình biết được có nghề phục chế và đóng sách. Thế là mình đi học một khóa phục chế sách, bồi biểu tranh ảnh và theo nghề đến tận bây giờ”.

Theo anh Quang, để đưa một quyển sách đã cũ, rách nát trở về tình trạng ban đầu bao gồm nhiều công đoạn. Tùy vào mức độ hư hỏng từ bìa đến ruột nặng hay nhẹ mà anh sẽ lên kế hoạch phục chế từng phần.

“Quá trình phục chế của một quyển sách bao gồm tách bìa ra khỏi ruột sách. Mình thường dùng giấy dó để bồi lại những chỗ khuyết ở bề mặt bìa, dậm màu ở chỗ mới bồi sao cho đồng bộ với màu nguyên bản. Sau đó xử lý nấm mốc ở ruột và khâu lại thật chỉn chu để ghép vào bìa đã được bồi trước đó” - anh kể.

Loại sách anh Quang thường nhận phục chế chủ yếu là sách xưa có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm. Có những quyển sách được các nhà sưu tầm gửi đến nhờ anh sửa chữa đã hư hỏng rất nặng, cần nhiều thời gian và sự khéo léo để quyển sách có thể cầm đọc được thoải mái.

“Tôi xem công việc hiện tại không hẳn chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là một cách để giữ gìn gia tài văn hóa của Việt Nam” - anh Quang tâm sự. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

“Tôi xem công việc hiện tại không hẳn chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là một cách để giữ gìn gia tài văn hóa của Việt Nam” - anh Quang tâm sự. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

“Trước kia mình đã từng nhận hồi phục quyển Từ điển Pháp-Việt của tác giả Trương Vĩnh Ký, được xuất bản từ năm 1884. Lúc đó ruột sách bị tách rời ra thành từng phần, mình phải dùng chỉ để khâu lại. Sau khi quyển sách hoàn thành, người chủ rất vui vì quyển sách hơn trăm tuổi đã tinh tươm hơn trước. Họ có thể đọc được nội dung và hiểu thêm về cách dùng từ của cha ông khi xưa” - anh kể.

Một quyển sách được phục chế để quay lại tình trạng ban đầu mất khoảng 2-5 ngày. Tình trạng hư hỏng nặng hơn thì quá trình này có thể kéo dài gần cả tháng vì độ phức tạp của quyển sách và yêu cầu của khách hàng ra sao.

Chưa kể trong quá trình hồi phục sách, có những vật liệu phục chế tìm trong nước không có, phải liên hệ và đặt mua từ nước ngoài.

Anh TRỊNH HÁN QUANG, chủ cơ sở phục chế sách tại quận Tân Bình, TP.HCM

Ứng dụng vật liệu đa nguồn

Theo anh Quang, ở TP.HCM hiện nay có nhiều cơ sở phục chế và đóng sách xưa, cũ. Nhiều cơ sở, như Thư viện Huệ Quang, đã nhận hồi phục những quyển sách xưa để phục vụ người đọc và sưu tầm.

“Tùy theo tay nghề của mỗi người thợ mà họ sẽ lựa chọn chất liệu để phục chế quyển sách như thế nào. Tại cơ sở của mình, những chất liệu dùng để tu bổ, phục chế thường nhập từ châu Âu hoặc các quốc gia có truyền thống bồi biểu tranh, giấy lâu đời như Trung Quốc hoặc Đài Loan” - anh Quang cho hay.

Vừa nói, anh Quang vừa giới thiệu các vật liệu dùng để hành nghề. Từ những dụng cụ để cắt chỉ và khâu sách được mua từ Nhật Bản cho đến các phẩm màu chuyên dụng được anh nhờ người thân mua từ Trung Quốc.

“Khi mới vào nghề, mình tự nhủ sẽ gắn bó với nghề theo mức độ chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian sắp tới, cơ sở sẽ đầu tư theo hướng kết hợp yếu tố văn hóa của Việt Nam và phối hợp đa vật liệu có độ bền cao vào việc phục chế” - anh chia sẻ.

Hơn hai năm gắn bó với nghề, anh Quang thấy yêu công việc của mình hơn vì được trực tiếp sửa chữa những quyển sách đã hư hỏng theo thời gian. Có lúc được giao quyển sách quý để thực hiện phục chế, anh thấy may mắn và có trách nhiệm làm mới quyển sách. Vì sau bao hoàn cảnh khắc nghiệt mà quyển sách vẫn còn hiện hữu thì lớp người kế thừa mai sau phải cố gắng giữ gìn, yêu lấy kho tàng chứa đựng tri thức và tinh thần dân tộc vẫn còn tồn tại đến hôm nay.

Thú chơi sách xưa, cũ

Những năm gần đây, người dân có xu hướng sưu tầm sách cũ, xưa như một thú chơi, vì thế nghề phục chế sách cũ cũng từ đó dần phát triển để đáp ứng nhu cầu của người đọc và nhà sưu tầm sách.

Hiện tại, ở TP.HCM có nhiều cơ sở phục chế và sửa chữa sách cũ như cơ sở của ông Võ Văn Rạng (65 tuổi, ngụ quận 3), bác sĩ sách Bùi Tiến Phúc (34 tuổi, ngụ quận Tân Phú) - chuyên bồi biểu thư họa và tu sửa sách cũ, hay Thư viện Huệ Quang tại quận Tân Phú có dịch vụ hồi phục sách xưa, cũ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm