Bước ra từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, chàng trai này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng không chỉ bởi giọng hát mà còn vẻ ngoài khá ưa nhìn.
Chàng trai đó tên là T. Lúc đó, mặc dù tên tuổi đang phủ sóng trên rất nhiều sân khấu âm nhạc và đi đâu cũng có một lượng người hâm mộ đông đảo, nhưng cuối cùng ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích đã có một hành động tương tự như Đài truyền hình Vĩnh Long đối với Trấn Thành bây giờ.
Quyết định đó là loại T. ra khỏi chương trình. Nguyên nhân do chàng trai này nhiều lần đến muộn trong khi tập dượt, trong đó có rất nhiều lần anh không hề thông báo trước với ban tổ chức về việc đến muộn của mình.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho hành động của T, ngoài thái độ làm việc không chuyên nghiệp thì tôi cho rằng một trong những yếu tố cốt lõi chính là quyền cho mình được đỏng đảnh của ca sĩ.
Một trong những phát ngôn "hứng đá" của Trấn Thành.
Nhưng T. là một ca sĩ trẻ, một ca sĩ bỗng nhiên sau một đêm thức dậy mà trở thành người nổi tiếng. Quá trình trước đó không có dấu ấn nhiều của sự khổ luyện hay trầy trật với nghề.
Thế nên, khi hào quang bất ngờ "đổ ụp" vào đầu, khi một người trẻ không có tâm thế để chuẩn bị cho những gì mình phải đối mặt thì thái độ coi thường khán giả, coi thường những người tổ chức chương trình có lẽ cũng dễ giải thích.
Nó cũng như câu chuyện rất xưa về người cha dạy con, khi đồng tiền không do tự mình kiếm được, có ném vào đống lửa thì đứa con cũng phớt lờ. Nhưng đồng tiền do chính anh ta vất vả mà kiếm được nếu bị vứt vào đống lửa thì có nguy hiểm anh ta cũng tìm cách lấy ra.
Hào quang sân khấu cũng vậy, hào quang nào phải đánh đổi, phải hi sinh, phải kỳ công khổ luyện thì người ta càng trân trọng.
Sau bốn năm kể từ bài viết đó, tôi và rất nhiều người có lẽ cũng không rõ giờ này cái tên của chàng ca sĩ trẻ tên T. ấy đang đi đâu về đâu. Thời của đỏng đảnh với anh chắc cũng không được như xưa.
Trấn Thành thì khác, với khả năng hoạt ngôn, với một quá trình có nhiều dấu ấn của sự vươn lên, Trấn Thành không phải là một người bước chân vào làng giải trí với sự hồn nhiên của một người trẻ tuổi ít va vấp.
Thế nhưng, trong con người Trấn Thành lại tiềm ẩn quyền được đỏng đảnh của một nghệ sĩ tự coi mình là lớn (mà thật ra có thể là đó là một nghệ sĩ lớn thật).
Phát ngôn đánh dấu sự đỏng đảnh đậm nét nhất của Trần Thành đó chính là lời khuyên rất khinh khi người xem truyền hình đó là: “Ti vi là của chung, chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt ti vi”.
Rõ ràng, với phát ngôn đó, Trấn Thành đã đặt người xem, trong đó có thể có người hâm mộ của anh - vào thế của một khách hàng đi mua dịch vụ với một người bán dịch vụ, mà anh cho mình là người đại diện.
Thế nhưng, việc lựa chọn xem hay không xem một chương trình không phải như mua rau, mua cá ngoài chợ. Nếu không thích mua rau người ta có thể bỏ rau ra ngoài rồi chọn cá. Còn trên truyền hình, người ta chẳng thể đến phần anh nói thì tắt đi, rồi đến phần nghệ sĩ khác nói lại bật lên. Anh là một trong những thành tố của chương trình đó, của cuộc thi đó, nếu tắt anh thì người ta phải tắt cả chương trình.
Ai trong đời chắc cũng có một lần có quyền được đỏng đảnh, nhưng khi nó trở thành một nguyên tắc giao tiếp của người nổi tiếng thì có lúc anh phải đối mặt với sự “tắt ti vi hình tượng” của người hâm mộ, rộng hơn là khán giả.