Mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng cao tại Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2014, tỉ lệ này đã ở mức 112,2 bé trai/100 bé gái và xu hướng này đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt có 55/63 tỉnh, thành dư thừa nam giới ở mức báo động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát động ngày 17-10.
Theo ông Tuấn, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam, dẫn tới dư thừa nam giới.
Các hậu quả về mất cân bằng giới tính rất nghiêm trọng, một trong số đó là tăng áp lực các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng nhu cầu về mại dâm dẫn đến gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ, các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, bất ổn xã hội do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục của nam giới.
Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ.
Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, ví dụ như cấm siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính.
“Cần phải có những nỗ lực phối hợp hết sức khẩn trương của tất cả các bộ, ngành, Chính phủ và xã hội để có thể giải quyết vấn đề này, bao gồm cả gia đình, trường học, cộng đồng. Ngoài ra, cần thiết phải cải thiện khuôn khổ luật pháp liên quan tới bình đẳng giới bởi vì chính luật pháp và chính sách tác động tới hành vi của người dân” - bà Ritsu Nacken nói.