Không ai ngờ chỉ trong 10 phút đầu, sai lầm của thủ môn Văn Toản và hàng thủ đã biếu không cho Thái Lan hai bàn thắng rất đau. 10 phút lạ lùng của U-22 Việt Nam (VN) không dành cho người yếu tim khi các học trò ông Park Hang-seo để lọt lưới theo kiểu tự sát.
Căng cứng với hai bàn thua ngỡ ngàng
Thái Lan luôn là cái tên thú vị bất kể ở cấp độ đội tuyển hay U-22. Dù từng thắng họ 4-0 ở vòng loại U-23 châu Á nhưng vào trận với ba cửa (thắng, hòa hoặc thua cách biệt một bàn) nhưng thầy trò ông Park vẫn gặp khó khăn về tâm lý cùng một trạng thái căng cứng.
Hàng ngàn CĐV đã nếm trải những giây phút hồi hộp và… hãi hùng khi bỗng dưng thủ môn Văn Toản phá bóng đúng người Supachai đang băng xuống và cú phá bóng bật tiền đạo đối thủ đã thành bàn mở tỉ số cho Thái Lan.
Thua bàn vô duyên, những đôi chân của học trò ông Park luống cuống và nặng nề như đeo chì. Tỉnh táo cỡ Văn Hậu cũng chuyền sai để đối phương có bóng rót vào vòng cấm cho Suphanat độc diễn với bàn thắng thứ hai khi thủ môn Văn Toản đã xuất tướng.
Lúc này U-22 Thái Lan chiếm ưu thế hơn VN và rụt rè đặt chân vào bán kết với hai bàn cách biệt như bức tranh thơ mộng mà ông Nishino vẽ ra trước giờ bóng lăn.
Ông thầy người Nhật cầu nguyện cho học trò sớm ghi bàn nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ hàng thủ VN ngơ ngẩn với hai bàn cho không, biếu không như thế.
Đến lượt ông Park Hang-seo rối bời thật sự. Ông chạy tới chạy lui trong khu vực kỹ thuật chật hẹp và gào thét gọi Hà Đức Chinh cấp tốc vào thay người để chơi trung phong kép với Tiến Linh. Ông thầy người Hàn Quốc có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không dám tin các học trò bị thua nhanh và thua lãng đến vậy. Viễn cảnh bị Thái Lan nẫng tay trên chiếc vé bán kết SEA Games 30 làm ai cũng sợ như mất hồn.
HLV Park Hang-seo không hiểu điều gì đã xảy ra với những bàn thua kiểu tự sát nhưng may là học trò ông tỉnh lại và Tiến Linh (ảnh nhỏ, trái) có hai bàn gỡ vào lưới Thái Lan. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Thở phào với nút thắt từ bàn gỡ của Tiến Linh
Bất ngờ lại đổ xuống sân Binan khi chỉ vài phút sau bàn thua 0-2, Tiến Linh có pha thoát giữa ba trung vệ Thái Lan, đánh đầu nhẹ nhàng ăn bàn từ đường chuyền như đặt của Thanh Thịnh bên cánh trái. Cả đội U-22 VN hoàn hồn với bàn gỡ được xem là bước ngoặt của trận đấu.
Cuộc chạm trán “siêu kinh điển” ở cấp độ U-22 của khu vực Đông Nam Á chưa lúc nào hết nóng. Ông Nishino và đồng nghiệp Park Hang-seo chẳng ai chịu ai. Thế trận của Thái Lan cũng dần chuyển sang tay của VN.
Sự tỉnh táo cần thiết của ông Park lẫn các học trò đã giúp cho cách chơi của U-22 VN vững vàng hơn. Bên cạnh đó, thầy Park đã đưa Đức Chiến vào sân thay thế Triệu Việt Hưng đầu hiệp hai đá phòng ngự chặt chẽ ngay từ tuyến hai. Những pha phản công nhắm vào hướng di chuyển của hai trung phong gây ra rất nhiều khó khăn cho hàng thủ Thái Lan.
Cách đá rình rập chờ thời cơ và tận dụng sai lầm của đối phương đã phát huy tác dụng. Tiến Linh che bóng khéo léo trong vòng cấm buộc Chatchai lóng ngóng phạm lỗi.
Trong lần thứ hai đá lại quả phạt đền do lần đầu thủ môn Nont Muangnam phạm lỗi xuất tướng trước cú sút của Tấn Sinh, tiền đạo Tiến Linh đã san bằng 2-2 cho U-22 VN vào giữa hiệp hai.
Thời gian cứ dần trôi trong sự nóng nảy của các tuyển thủ trẻ Thái Lan lại phải để mắt đến sự nguy hiểm tiềm ẩn của đối phương khiến họ chơi bóng không còn mạch lạc nữa.
Thầy trò Park Hang-seo hạnh phúc đặt chân vào bán kết sau khi tiễn cựu vô địch Thái Lan về nước bằng trò ú tim đầy kịch tính như phim hành động.
Một kịch bản mà bóng đá VN và Thái Lan gặp nhau nhiều lần nhưng chưa bao giờ lại bi, hài và ú tim đến thế.
Đá bán kết với Campuchia dễ hay khó? Đội tuyển U-22 VN đứng nhất bảng B vào bán kết SEA Games 30 gặp đội nhì bảng A là láng giềng U-22 Campuchia, trong khi Indonesia nhì bảng B gặp đội Myanmar nhất bảng A. Thuận lợi của thầy trò HLV Park Hang-seo ở vòng đấu knock out là nhờ vào dàn cầu thủ tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm hơn cùng ưu thế tâm lý toàn thắng bóng đá Campuchia tại đấu trường SEA Games. Tuy nhiên, chút bất lợi của U-22 VN là nghỉ ít hơn Campuchia một ngày, lại mất nhiều sức sau trận hòa vất vả Thái Lan. Bên cạnh đó, Campuchia lần đầu tiên vào bán kết SEA Games sau 60 năm sẽ rất hưng phấn, cộng thêm việc nhuần nhuyễn khi đá trên sân cỏ nhân tạo quen thuộc như sân nhà Olympic của họ. Loạt trận bán kết sẽ diễn ra vào ngày 7-12. |