Vĩnh biệt Nghệ sĩ nhân dân Lương Đống

Sinh năm 1924 tại Cà Mau, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định, ông đã bỏ đô thành theo kháng chiến, làm họa sĩ trình bày báo Độc Lập, rồi làm họa sĩ thiết kế cho những vở cải lương, kịch nói trong chiến khu ở miền Nam. Tập kết năm 1954, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật sân khấu cải lương. Ông giành huy chương vàng về thiết kế sân khấu tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đầu tiên năm 1958 và được xem như tên tuổi hàng đầu về thiết kế sân khấu ở khu vực sân khấu cách mạng. Năm 1964, ông trở thành giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam tại Hà Nội.

Khi đất nước thống nhất, ông về công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Rất nhiều vở diễn lớn của nhà hát này đã ghi dấu ấn khó phai của ông trong vai trò họa sĩ thiết kế như Thái hậu Dương Vân Nga, Rạng ngọc Côn Sơn, Hòn đảo Thần Vệ nữ, Muôn dặm vì chồng, Chim Việt cành Nam… Sau năm 1985, ông là giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Năm 1988, mặc dù tuổi đã cao, song sức sáng tạo và cống hiến của ông vẫn thật đáng nể. Những vở kịch nói quy mô như Tình nghệ sĩ, Những thước phim đời, Chuyến tàu hoàng hôn… đều do ông đảm đương phần thiết kế sân khấu. Năm 1989, ông đã biến khán phòng bé xíu của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thành một sân khấu kịch chuyên nghiệp với những kỹ thuật xử lý sân khấu thông minh, sáng tạo, đóng góp to lớn trong việc ra đời và phát triển của Sân khấu Kịch 5B.

Khi đến viếng, soạn giả Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, đã thay mặt giới nghệ sĩ nói lời tri ân với đóng góp cho ngành sân khấu nước nhà của NSND Lương Đống.

Tang lễ NSND Lương Đống được cử hành tại Nhà tang lễ TP (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM), do Sở VH-TT&DL và Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức. Lễ viếng bắt đầu lúc 14 giờ ngày 28-9-2011, lễ động quan lúc 6 giờ 30 ngày 30-9-2011. Linh cữu được an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm