Đầu thập niên 1980, ông là người đã được Trung ương cử đi xem xét, cứu đói. Lặn lội hết Thanh Hóa, Nghệ An đến Bình Trị Thiên, ở đâu ông cũng chứng kiến cảnh người dân đói rất dữ dội.
Nhiều báo cáo chính thức chỉ nói nguyên nhân đói do thất mùa, giáp hạt. Trực tiếp đi cứu đói, ông Mười Thơ nhận ra rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói là do hạt gạo bị cản đường, không ra chợ, không đến được người cần. Nơi thừa gạo không biết bán cho ai, nơi thì đói mà không kiếm đâu ra được hạt gạo để ăn. Do đó, ông chính là người phản đối chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ mà ông biết sẽ làm cho dân đói.
Ông Nguyễn Thành Thơ (Bí danh Mười Thơ). Ảnh tư liệu.
Sau đó, ông thông báo cho dân biết ban cứu đói sẽ mua gạo từ miền Nam ra phân phối cho đồng bào, ai có tiền thì chuẩn bị. Khi gạo đến, có ý kiến chỉ cho mỗi hộ mua tối đa một tạ gạo để đề phòng đầu cơ. Ông Mười Thơ đã nghĩ ra cách lách qui định: “Bà con mua gạo xong cứ im lặng vác về nhà rồi quay ra mua tiếp”. Vậy là nhiều nhà đã “quay vòng” mua được vài tạ gạo.
Ông Nguyễn Thành Thơ được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương giai cấp Nông dân Việt Nam, Huy chương Đại đoàn kết toàn dân Việt Nam, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều cương vị khác nhau. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông được phân công phụ trách cánh B. Ông cùng cánh B tiến vào nội thành sớm nhất, chiếm tòa hành chính Gia Định lúc 8 giờ ngày 30-4-1975.
Sau năm 1975, ông giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP.HCM và được bầu làm Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV. Ông được giao nhiệm vụ làm thí điểm hợp tác hóa nông nghiệp. Ông không đồng tình chính sách hợp tác xã nông nghiệp mà ông biết sẽ làm cho nông dân mất hứng thú sản xuất.
Ông Mười Thơ (đứng giữa) trong một lần đi thăm sản xuất ở Thanh Hóa sau nạn đói. Ảnh tư liệu.
Ông Mười Thơ được xem là một trong những người có công lớn trong việc “xé luật, phá rào”, “cởi trói" cho nông dân, giúp Việt Nam từ nước sản xuất nông nghiệp kém trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì những đóng góp này.
Tên thật của ông là Nguyễn Kiến Lập, sinh ngày 3-10-1925, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).