Làm vợ giỏi nhưng làm mẹ vụng?
Vợ chồng Thanh và Hằng kết hôn được năm năm. Ở thời kỳ vợ chồng son, gia đình nhỏ của họ vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng từ khi bé Lin ra đời, mọi lục đục bắt đầu nảy sinh.
Do không có ông bà ở bên chăm sóc, thu nhập hai vợ chồng cũng chỉ vừa đủ dùng nên từ khi sinh con, Hằng phải tự lo liệu hết mọi việc từ chăm con đến nhà cửa.
Lần đầu làm mẹ, lại thêm ở nhà có quá nhiều việc linh tinh không thể lo hết nên có lúc Hằng cũng đành bó tay. Một hôm Thanh đi làm về, vô lý đá vào cái bô của thằng cu Lin, không ngờ trong đó còn ít nước tè Hằng quên đổ nên nước văng ra khắp sàn nhà. Thanh chưa kịp nghe vợ giải thích đầu đuôi đã hầm hầm tức giận. “Anh ấy nói có mỗi việc ở nhà chăm con mà cũng không nên thân, rồi bỏ đi nhậu tới tối”, Hằng buồn bã kể lại.
Từ lúc có con, biết bao nhiêu mâu thuẫn nảy sinh. Từ bất đồng thời điểm cho ăn dặm, thực đơn cho con, tới việc tóc tai, quần áo cho thằng bé…. Ý vợ một đằng, ý chồng một nẻo. Vấn đề càng căng thẳng khi con không được chăm sóc theo đúng ý mình thì Thanh rất khó chịu
“Lúc yêu nhau tôi tưởng cô ấy khéo léo, đảm đang, ai dè có con vô mới thấy. Cơm nước thì chậm chạp, chăm con thì không vệ sinh, có hôm để thằng bé mặc cái bỉm từ sáng tới chiều không thay. Có con vào tự nhiên thấy….chán vợ”, Thanh nói.
Hoàn cảnh như Thanh và Hằng không phải là hiếm. Gia đình anh Hùng chị Vy ở Hà Nội “chiến sự” còn căng thẳng hơn vì anh Hùng nổi tiếng kỹ tính.
Đi làm về, anh Hùng sà vào ôm bé Chích Bông (3 tuổi) nựng nịu. Nếu con bé thơm quá, anh trách vợ dùng sữa tắm quá nhiều, làm hại da con. Nếu con không thơm, anh lại cằn nhằn vợ tắm không kỹ. Nhiều hôm anh còn vạch áo con ra kiểm tra xem hôm nay có bị muỗi đốt, trầy xước gì không.
Cưng con nên anh giành phần tắm buổi chiều cho nó. Nếu phát hiện vùng kín hay nách con gái không sạch như ý muốn thì chắc chắn Vy sẽ hứng trọn một cơn thịnh nộ. “Sao em cũng là phụ nữ mà không biết chăm chút cho con gái mình. Em làm vợ thì tốt mà sao làm mẹ lại…chuối thế?”, Hùng quát. Những lúc ấy Vy chỉ biết khóc.
Nói ra thì có 1001 kiểu chê vợ của các ông chồng, chung quy cũng chỉ vì con cái. Nào là con ọc sữa thì nói “ép nó quá làm sao nó chịu nổi”, con bệnh thì càu nhàu “đã nói cho nó uống vitamin C đều đặn để tăng sức đề kháng mà không nghe”, thậm chí con đi học bị điểm kém cũng là tại vợ không kèm cặp kỹ.
Con là con chung
Một thực tế thấy rõ là khi gia đình có thêm một (hoặc hơn) đứa trẻ thì mọi việc trong nhà phức tạp hơn rất nhiều. Không chỉ chi phí sinh hoạt tăng lên mà sẽ có thêm nhiều đầu việc trút lên cả hai vợ chồng. Nhiều cặp thừa nhận từ khi có con, không những gia đình không hạnh phúc hơn mà đôi bên còn phát hiện ở nhau rất nhiều điểm xấu trước giờ không thấy.
Chồng thấy vợ hung dữ hơn khi quát mắng con, vợ thấy chồng quá lười biếng khi không tự mình dọn giúp đống khăn tã dơ của con; chồng thấy vợ lề mề, chậm chạp vì bây giờ ngoài cơm canh cho chồng còn phải thêm bột, sữa cho con, vợ thấy chồng “bất tài” hơn vì kiếm tiền không đủ chi dùng.
Những xung đột vì con cái là khó tránh khỏi. Đàn ông đôi khi vì quan niệm cố hữu chăm con là việc của phụ nữ nên đã để cho vợ một mình gánh hết trách nhiệm. Đàn ông hiện đại chơi với con thì tốt còn chăm con sao thấy khó quá? Các cô con dâu nghe mẹ chồng kể cha chồng ngày trước chăm vợ đẻ, giặt tã cho con, nấu nước tắm cho vợ mà…thèm.
Đôi lúc không giúp được gì nhưng lại hay chê bai, cằn nhằn, các ông chồng càng khiến vợ mình thêm stress. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh từ đó. Trong trường hợp này, phụ nữ cần nhẫn nại, cố gắng hiểu đàn ông. Họ cũng không khác gì một đứa trẻ to xác, đòi hỏi nhiều nhưng vô việc thì sẽ bó tay ngay.
Nếu bị chồng nhăn nhó vì chăm con chưa tốt, người vợ cứ bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích cho chồng hiểu. Tranh thủ những khi rảnh rỗi, chị em nên kéo chồng góp tay vào việc chăm sóc con. Chỉ cần ở riêng với con một ngày, các ông sẽ hiểu ngay những vất vả mà vợ mình trải qua khi phải trực chỉ cùng con nhỏ trong lúc các ông đi lo việc lớn – nhưng không hẳn là khó khăn hơn – ngoài xã hội. Nhiều ông chồng sau khi tự mình trải nghiệm đã thấy thà đi đàm phán hợp đồng cả ngày còn dễ hơn ngồi đút cháo cho con.
Vì con cái là tài sản quý giá chung của hai vợ chồng nên cả hai đều có trách nhiệm chăm sóc, quan tâm. Người phụ nữ càng không nên giành hết phần chăm con về mình để quá sức, dẫn đến thiếu chu toàn rồi…bị la, thiệt cho cả con và mẹ. Có con là niềm hạnh phúc lớn lao cho mọi gia đình, vì vậy cả cha và mẹ phải hết sức cân nhắc, giữ gìn để hạnh phúc đó không biến thành căng thẳng hay nỗi thất vọng về nhau không đáng có.