Chiều ngày 1-8, ông Trần Hà Sơn, PGĐ Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên cho biết cơn lũ tràn qua thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) sáng ngày 1-8, gây thiệt hại cho hàng trăm hộ dân nơi đây là do mưa lớn gây lũ ống, làm vỡ đập nuôi cá Huổi Củ do người dân tự đắp. “Hiện tỉnh đã báo cáo thiệt hại với BCĐ TƯ PCTT, và đang triển khai lực lượng để khắc phục thiệt hại”, ông Sơn nói.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Điện Biên, mưa lớn trong hai ngày 31-7 và 1-8 làm 4 người ở huyện Tuần Giáo bị; 2 căn nhà bị đổ và cuốn trôi hoàn toàn, hơn 210 ngôi nhà bị ngập và sạt lở đất; hàng vạn gia súc, gia cầm và nhiều tài sản khác (xe cộ, bàn ghế, tủ…) bị cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính trên 110 tỉ đồng.
Mưa lũ trôi tài sản người dân ở Điện Biên
Tại Hà Nội, trưa cùng ngày có trận mưa lớn kéo dài gần 2 giờ gây ứ nước cục bộ cho một số khu vực như đường Minh Khai (đoạn gần chân cầu Vĩnh Tuy), đường Trương Định, khu vực Giáp Bát… Sau đó nước kịp rút qua hệ thống thoát nước.
Khu vực Hà Nội ứ nước (ngập) ở một số khu vực
Trong ngày, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trong 6 giờ qua (tính đến 13 giờ 1-8) ở Tuyên Quang 70mm; Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 90mm; Móng Cái và Quảng Hà (Quảng Ninh) 50mm; Ba Vì (Hà Nội) 80mm; nội thành Hà Nội 40mm.
Mực nước trên sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam đang lên chậm. Dự báo từ đêm nay (01-8) đến 3-8, ở các tỉnh Bắc Bộ có tổng lượng mưa 50-150mm…
Trung tâm DB KTTV TW cảnh báo: “Các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối. Ngoài ra, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) có khả năng ngập bị lụt đô thị.