Khi biết chuyện, tôi rất tức giận và yêu cầu vợ phải chấm dứt chuyện này. Tuy nhiên, vợ tôi nhất quyết không chịu và tiếp tục thực hiện hành vi này. Vậy xin hỏi, việc làm trên của vợ tôi có vi phạm pháp luật?
Bạn đọc Trần Văn Ơn (Củ Chi, TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Nhiều người vợ/chồng suy nghĩ việc gắn thiết bị theo dõi, nghe lén điện thoại của chồng/vợ là việc giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thế nhưng ở góc độ pháp lý, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Hiến pháp đã quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác…
Còn theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Về mặt xử lý hành chính, tại khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định xử phạt 10-20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Về xử lý hình sự, nếu người nào nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 20-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm (Điều 159 Bộ luật Hình sự).
Các cặp vợ chồng nên tin tưởng vào người bạn đời của mình. Trong những lúc xảy ra hoài nghi, mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng thì cả hai nên ngồi lại cùng nhau để giãi bày, giải quyết, đừng để sự việc đi quá xa.