Vụ 9 cầu thủ bán độ bị treo giò vĩnh viễn: Đi với ma mặc áo giấy!

Theo đó, tất cả 9 cầu thủ của V.Ninh Bình gồm Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tú và Nguyễn Văn Hưng đều bị phạt 20 triệu đồng và cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá vĩnh viễn do LĐBĐ Việt Nam tổ chức.

Thể nào ngày mai dư luận và báo chí cũng ầm ỹ cả lên, theo hai hướng: bênh vực (theo chủ nghĩa nhân đạo, là người Việt yêu chuộng lòng vị tha) và ủng hộ quyết định của VFF.

Khổ cho VFF lại bị rơi vào thế bí: bảo lưu quyết định thì bị cho là ác. Mà nếu ngóng tai nghe dư luận, bị tác động của một số ý kiến theo chủ nghĩa nhân đạo, không chịu được nhiệt, rồi giảm án giơ cao đánh khẽ kiểu hàng trăm vụ trong tiền lệ, thì cái câu không cho cầu thủ tiêu cực có cơ hội trở lại sân cỏ như tuyên bố, chỉ là nói cho vui.

Tôi thì có quan điểm thế này: Vô cùng ủng hộ quyết định cấm vĩnh viễn mấy anh trên. Kêu làm gì? Đủ tư cách gì mà xin tha! Xã hội, người dân còng lưng đóng thuế cho họ, CLB và doanh nghiệp tài trợ vật vã trong cơn khủng hoảng kinh tế trả tiền lương và chuyển nhượng, hàng vạn người dân địa phương đặt niềm tin, để rồi bị phản bội, thì nên cách ly vĩnh viễn khỏi hoạt động bóng đá.

Mà tôi tin chắc mấy chú Ninh Bình không chỉ “láo” một vài trận, một vài mùa. Cũng không tin rằng chỉ mỗi bóng đá Ninh Bình xảy ra chuyện. Nếu khui ra quyết liệt, thì có lẽ bắt không xuể.

Bất cứ lĩnh vực nào tiêu cực cũng có, nhưng phải nói rằng ở lĩnh vực bóng đá, tiêu cực đã trở thành nỗi nhức nhối trong mấy chục năm qua. Tiêu cực bóng đá đã làm kiệt quệ nội lực nền bóng đá vốn đầy tiềm năng, đã làm suy giảm niềm tin nghiêm trọng trong nhân dân, làm tổn thất quá nhiều tiền bạc cho hệ thống giải chuyên nghiệp sau 14 năm, làm rối tung công tác tổ chức của mỗi CLB. Các khái niệm "trục ma quỷ", "liên minh ma quỷ", “bán mình cho quỷ dữ", "quyền lực đen", "lợi ích nhóm", “tư duy nhiệm kỳ”... tồn tại rất rõ trong đời sống bóng đá.

Hậu quả là thế, theo tôi với bóng đá, dù rằng hành pháp không thể “riêng một góc trời” trái với tinh thần nhân đạo của pháp luật (trong đó có luật bóng đá), nhưng đã đến lúc cần có án điểm cực kỳ mạnh mẽ để đoạn tuyệt với cách "xử án" truyền thống "ao làng" với tiêu cực bóng đá như lâu nay. VFF đã có quy định kỷ luật, chẳng có gì phải sợ. Cái bài toán "bằng chứng đâu" đã có, việc gì phải chùn tay. 

Tôi nghĩ truyền thông cũng nên ủng hộ quyết định của VFF, đừng có “khóc” cho cầu thủ tiêu cực nữa, họ cũng không có nhiều đóng góp cho xã hội, tư cách sáng ngời lắm đâu. Lâu nay chúng ta “khóc” nhiều trường hợp quá rồi, VFF, pháp luật và xã hội cũng tạo điều kiện cho nhiều trường hợp dính chàm quá rồi, cũng có người hồi tâm, nhưng do án tiêu cực là quá nhẹ, quá dễ dàng trở lại bóng đá để làm bậy (với những người căn cốt tiêu cực thuộc về bản chất), nên không sợ làm bậy. 

Ứng xử với "ma quỷ", cũng cần phải biết "ác"! Tôi tin chắc nếu VFF duy trì mức án trên, đừng giảm án trong bối cảnh nền bóng đá tiêu cực lũng đoạn nền bóng đá nghiêm trọng như lâu nay, họ sẽ được ủng hộ nhiều hơn. 

Các tờ báo cũng thế, thể hiện được quan điểm rõ ràng, hợp "lòng dân", nguyện vọng của người hâm mộ cả nước trong vụ này, sẽ tạo được sự khác biệt.
Những cánh én sẽ làm nên mùa xuân, một số vụ án thế này được duy trì, sẽ khiến cầu thủ phải sợ bởi mất "cần câu cơm" thì biết làm gì? Với mặt bằng văn hóa như hiện nay, họ sẽ được đặt đúng vị trí trong xã hội. 

Đã đến lúc nền bóng đá cần phải được "xạ trị", cắt bỏ những di căn!

Cuộc chiến giữa hai luồng quan điểm giảm án, "đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại"; và ủng hộ loại cầu thủ cống hiến ít phá hoại nhiều, tài ít tật nhiều, sẽ còn gay cấn như một trận đấu tiêu cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm