Một bạn ở VTV vừa post ảnh làm chứng cứ cho vụ đọc sách ngược này lên và than thở sao nhiều nhà báo, nhà trí thức... xúm vào chửi rủa mà thiếu xem xét đến thế. Tôi bảo bạn kìm nén cảm xúc tí, rằng trong đầu chúng ta, mọi người đang coi nhau như những kẻ thù khủng khiếp của sự dối trá. Chúng ta đang trong tâm trạng mang đến cho nhau những con dao bén hình dấu hỏi, những viên đá xanh để ném... chớ chúng ta không mang ngọn nến để soi sáng, lọ nước hoa để giúp người bên mình thoát khỏi cái mùi khó xử. Và trong vụ này, coi kỹ lại, chúng ta mới là những kẻ sợ hãi. Chúng ta sợ lẫn nhau, phản ứng đầu tiên của chúng ta là “gí dao” vào mặt kẻ khác để bảo vệ mình trước hết.
Đầu tiên là ảnh xuất hiện ào ạt trên mạng xã hội. Ảnh của cháu bé ở Lào Cai tội nghiệp đang cầm quyển sách bìa chúc ngược vào người mà đọc. Ai cũng nổi xung thiên cho rằng VTV hoặc là ẩu tả hoặc là quá chân thật khi quay một cảnh dối trá, mang sắc màu thành tích nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Sự việc ra sao? Sau đó thì VTV xuất hiện, động tác đầu tiên là bảo “sẽ xem lại” nhưng nói luôn rằng phóng sự này là của Trung tâm Truyền hình Thanh niên thuộc Trung ương đoàn sản xuất. Sau đó Trung tâm Truyền hình Thanh niên đã khẳng định bìa sách cũ của em bé này bị dán ngược và em bé ấy biết đọc.
Và đó là lúc đỉnh điểm sự nghi ngờ trút đổ. “Đã dối mà còn trá, vì nói chẳng qua bìa sách ấy ngược nhưng lại... không có bằng chứng”. Không ít người trong chúng ta đã hằn học nghĩ thế.
Cả thiên hạ “trói” quyển sách lại và “tra khảo” nó từ giờ phút đó.
Cho đến trưa 24-11, khi clip được trình chiếu, hình ảnh người thầy cũng “lật ngửa quyển sách” mà đọc (tức bìa sách bị dán ngược), mới thấy thương gì đâu.
Chao ôi, tất cả chúng ta đang hành xử đầy sợ hãi, muốn trút bỏ lỗi lầm, ứng phó bằng mồm miệng trí trá chứ không bình thản trong tư thế làm, có lỗi, nhận lỗi và xin lỗi lẫn nhau.
Chúng ta hành xử đầy hung hăng khi trái tim bị dối lừa đau đớn đã quá nhọc nhằn không còn nhịp thở cảm thông.
Chúng ta mất niềm tin lẫn nhau đến thế ư?!