Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Mai (thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết hiện tàu cá BĐ 96680 TS của gia đình bà vẫn chưa thể đưa vào bến để sửa chữa do bị hư hỏng nặng sau khi bị cảnh sát biển TQ tấn công bằng vòi rồng. “Họ dùng vòi rồng xịt nước phá tan nhiều bộ phận. Máy móc liên lạc không còn dùng được, giàn câu, giàn đèn bị hư hỏng hết, mui, hông tàu bị vỡ nát nhiều chỗ. Gia đình tôi đã đầu tư mấy trăm triệu đồng để sửa chữa chiếc tàu này và giờ lại bị phá một cách vô cớ” - bà Mai nói.
Theo một ngư dân trên tàu cá BĐ 96680 TS, sáng sớm 27-5, khi sáu ngư dân trên tàu đang thả neo tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ một tàu khá lớn mang số hiệu cảnh sát biển TQ chạy sát đến. “Chúng tôi không nghe họ nói năng gì nhưng họ lại chĩa thẳng vòi rồng vào tàu cá chúng tôi rồi xịt nước tới tấp. Anh em hoảng hốt chạy vào cabin, hầm tàu né. Thấy vậy, họ tiếp tục bắn nước thẳng vào cabin tàu. Nước bắn mạnh lắm, làm tàu cá ngả nghiêng suýt lật. Họ xịt nước áp lực mạnh liên tục như vậy ba lần rồi quay tàu bỏ đi và không thèm quan tâm người ta sống chết thế nào” - ngư dân trên kể.
Tàu cá BĐ 96680 TS của ông La Văn Quen bị hư hỏng nặng do bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. Ảnh: ÁNH SƯƠNG
Ông La Văn Quen (chủ và là thuyền trưởng tàu cá BĐ 96680 TS) khẳng định lúc đó tàu của ông đang hoạt động tại tọa độ15 độ vĩ Bắc, 112 độ kinh Đông, hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Chúng tôi đã đánh bắt nhiều lần trên vùng biển này nên thuộc nằm lòng về tọa độ, đó là vùng biển của Việt Nam mình. Sáng đó, tàu chúng tôi đang neo và không có hành động gì ảnh hưởng đến xung quanh. Thế nhưng tàu TQ vô cớ dùng vòi rồng tấn công nhằm phá hỏng tàu cá của chúng tôi nhưng may mắn không xảy ra thương vong” - ông Quen nói.
Cũng theo ông Quen, vụ tấn công đã làm hư hỏng nặng nhiều bộ phận, thiết bị của tàu nên ông Quen không thể liên lạc với các tàu khác cũng như liên lạc về đất liền để nhờ ứng cứu. Trong khi đó, phần lớn mui tàu, một bên hông tàu bị vỡ, rất nguy hiểm nếu tiếp tục hoạt động. Mặt khác, giàn câu, giàn đèn điện cũng bị hư hỏng nặng, đổ vỡ lung tung. Do đó để bảo vệ tính mạng các ngư dân trên tàu, ông Quen điều khiển tàu cá quay về đất liền. “Trên đường về, nếu gặp thời tiết xấu, chúng tôi cũng không biết xoay xở thế nào” - một ngư dân khác trên tàu nói thêm.
Theo bà Mai (vợ ông Quen), chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương trên dự định kéo dài gần một tháng đã phải cho tàu trở về nửa chừng khiến gia đình bà bị lỗ hơn 30 triệu đồng. “Trước khi bị tấn công làm hư hỏng, tàu chúng tôi đã đánh bắt được 10 con cá ngừ đại dương cùng một ít cá khác nên bán vớt vát để trả công cho anh em. Giờ sửa chữa tàu phải tốn hơn 100 triệu đồng. Dù vậy, gia đình tôi đang sắp xếp, nhờ người đưa tàu vào bến sửa chữa để tiếp tục ra khơi” - bà Mai quyết liệt. Tương tự, ông Quen khẳng định: “Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ đưa tàu ra đó đánh bắt. Biển mình, mình làm ăn, chẳng sợ gì những kẻ bất chính cả”.
TẤN LỘC