Xung quanh vụ án này phát sinh một tình tiết pháp lý thú vị: Các bị cáo chỉ có một dạng hành vi là rạch đùi, rạch mông nữ sinh, vậy có thể xử lý thành hai tội là cố ý gây thương tích và làm nhục người khác hay không?
Không cấu thành tội làm nhục...
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, đối chiếu với quy định của BLHS thì có nhiều trường hợp người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi phạm tội nhưng lại bị xét xử về nhiều tội danh khác nhau. Ngược lại, cũng có trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi nhưng lại chỉ bị xét xử về một tội danh.
Vấn đề cơ bản là muốn xác định hành vi dùng dao rạch đùi, rạch mông nữ sinh có cấu thành tội làm nhục người khác hay không thì phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 121 BLHS. Theo điều luật này, hành vi phạm tội làm nhục người khác phải là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người bị hại.
Đối với người phạm tội là người có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui... Tất cả hành vi này chưa tới mức cấu thành tội phạm độc lập mà chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Mục đích của người phạm tội là mong muốn người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù (có thể trả thù người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại). Người phạm tội cũng có thể có những hành vi vũ lực, dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình nhưng tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.
Thiếu gia Nguyễn Thành Tài (ngoài cùng bên trái) và hai đồng phạm tại phiên phúc thẩm ngày 11-8 của TAND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: T.HIỂU
Về phía người bị hại là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người thấy bị nhục hoặc rất nhục, có người lại thấy bình thường. Những chuẩn mực này nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố khác như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người làm nhục.
Trở lại vụ án, mục đích của Nguyễn Thành Tài và đồng phạm làm như vậy chỉ mong muốn cho các nữ sinh “sợ” với động cơ được chở “người yêu” đi học. Trên thực tế, các nữ sinh đã hoảng sợ, hoang mang, nhiều người không dám đi học vì sợ bị rạch đùi, rạch mông. Việc bị rạch đùi, rạch mông không làm cho các nữ sinh bị nhục không dám đến trường mà chỉ làm cho họ sợ bị thương tích. Chỉ cần hỏi một em nữ sinh bị rạch mông hay bất cứ một nữ sinh nào chúng ta có thể thấy ngay điều đó.
Như vậy, hành vi rạch đùi, rạch mông nữ sinh của các bị cáo chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích chứ không cấu thành tội làm nhục người khác.
Tội cố ý gây thương tích: Phải xử nặng hơn
Tuy nhiên, một điều mà tôi băn khoăn ở đây là hành vi cố ý gây thương tích của các bị cáo chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS (khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm) là không thỏa đáng.
Bởi lẽ các bị cáo đã coi việc rạch đùi, rạch mông nữ sinh như trò tiêu khiển, thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường kỷ cương phép nước, không chỉ gây hoang mang, lo sợ cho hàng ngàn nữ sinh mà còn gây hoang mang, lo sợ cho tất cả những ai sống trong địa bàn. Hành vi của họ xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, an ninh xã hội, ảnh hưởng rất xấu đến sinh hoạt bình thường của cộng đồng dân cư, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là khi bị cáo cầm đầu lại là quý tử con của đại gia.
Vì vậy phải coi hành vi gây thương tích của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 104 BLHS (khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân) mới thỏa đáng.
Tóm tắt vụ án Từ ngày 7 đến 18-3, Nguyễn Thành Tài (quý tử của một chủ đại lý vé số tiếng tăm ở Tây Ninh) đã rủ rê Phạm Thanh Duy, Võ Lê Hoàng Ngữ, Phan Ca Li thực hiện 18 vụ rạch đùi, mông nữ sinh tại huyện Hòa Thành và thị xã Tây Ninh. Chúng dùng xe máy bám theo các nữ sinh, ra tay bằng dao lam, dao rọc giấy rồi bỏ chạy, làm các nạn nhân bị thương tật từ 2% đến 12%. Các nữ sinh và phụ huynh ở Tây Ninh hoảng sợ, hoang mang. Nhiều em không dám đi học một mình, nhiều trường phải ra thông báo cảnh giác... Xử sơ thẩm, TAND huyện Hòa Thành phạt Tài bảy năm tù về tội cố ý gây thương tích, ba năm tù về tội làm nhục người khác, tổng cộng hình phạt chung là 10 năm tù. Ba đồng phạm của Tài lần lượt lãnh tổng cộng từ một năm ba tháng tù đến sáu năm tù về cả hai tội... Ngày 11-8 vừa qua, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm cũng y án. Tại phiên phúc thẩm, luật sư của Tài cho rằng các bị cáo chỉ có một dạng hành vi rạch đùi, rạch mông nữ sinh thì không thể xử lý thành hai tội là cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Hơn nữa, chưa đủ cơ sở để truy tố các bị cáo về tội làm nhục... vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác trong cấu thành tội này. Ngược lại, đại diện VKS nói mục đích của các bị cáo khi gây thương tích cho các nữ sinh còn nhằm làm cho các nạn nhân xấu hổ, không dám đi học nữa nên truy tố các bị cáo về hai tội cố ý gây thương tích và làm nhục... là đúng. |
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao