Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Nghe VKS đề nghị, bị cáo xấu hổ, không muốn gặp gia đình'

(PLO)- Tại phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Hồ Bửu Phương bật khóc, nói rằng sau khi nghe mức án VKS đề nghị, bị cáo xấu hổ, không muốn gặp gia đình. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, phiên tòa xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).

Trong phiên tòa sáng nay, các luật sư đã bào chữa cho các bị cáo, gồm: Hồ Bửu Phương - nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Văn Thanh Hải - cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, Lê Khánh Hiền - cựu tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, phó chủ tịch hội đồng tín dụng Hội sở SCB và bị cáo Nguyễn Thị Phương Loan - thành viên HĐQT SCB...

vạn thịnh phát
Các luật sư bào chữa trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức có liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong đó, bị cáo Hồ Bửu Phương bị VKS đề nghị từ 19 đến 20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, Hồ Bửu Phương nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), phối hợp với một số bị cáo Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm để “giải quỹ”. Hồ Bửu Phương đã giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 163.000 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 99.000 tỉ đồng.

Cách thức giải quỹ là lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của các công ty “ma”. Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng, các cá nhân sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền.

Để tránh bị cơ quan thuế, thanh tra phát hiện sai phạm, các công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục các khoản phải thu và không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế…

Bào chữa cho Hồ Bửu Phương, Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công cho rằng mức đề nghị của đại diện VKS 19-20 năm tù là quá nghiêm khắc, quá nặng nề so với bức tranh tổng thể vụ án. Hành vi của bị cáo Phương là một mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án và chỉ dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng sau khi tiền đã được giải ngân về cho công ty vay.

Thực tế, bị cáo Phương không biết và không tham gia phương án vay vốn, lên phương án giải quỹ, và quá trình sử dụng dòng tiền sau khi giải quỹ. Bị cáo Phương chỉ làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và không hưởng lợi nào khác ngoài hưởng lương.

Bị cáo Hồ Bửu Phương chỉ làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát, bởi các phương án giải quỹ các khoản vay được SCB giải ngân đã xuất hiện từ trước khi Hồ Bửu Phương làm việc tại đây.

cac bi cao tai toa.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Luật sư Cao Sỹ Nghị bào chữa bổ sung cho Hồ Bửu Phương cho rằng VKS nhận định bị cáo Phương phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi là không phù hợp.

Theo LS, dựa vào lời khai của bị cáo Nguyễn Phương Anh thì việc giải quỹ có từ trước năm 2013. Trong khi đó, khoảng thời gian 2013-2018, Hồ Bửu Phương làm việc đúng chuyên môn là nghiên cứu phương án tái cấu trúc sở hữu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, làm việc với công ty kiểm toán, tái cấu trúc sở hữu một số công ty, làm việc với đối tác nước ngoài để chuyển nhượng một số dự án…

Mặc khác, việc Hồ Bửu Phương nghỉ phép đi nhiều tuần để làm việc thì việc giải quỹ vẫn không ảnh hưởng dù dòng tiền tại Vạn Thịnh Phát rất lớn, đến hàng trăm ngàn tỉ đồng/ngày.

LS cũng cho rằng thân chủ của ông chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi. Ngoài số tiền hơn 500 triệu đồng bị cáo Phương tự nguyện khắc phục hậu quả, kính đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn nhà của vợ chồng bị cáo.

Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương trình bày, toàn bộ dữ liệu quan dữ liệu liên quan công ty ma hay không, được thống kê, quản lý bởi văn phòng HĐQT và bản thân bị cáo không được chia sẻ những dữ liệu này.

Bị cáo bị khởi tố và bắt tạm giam từ ngày 6-10-2022, đến khi nhận được cáo trạng của VKS, bị cáo cảm thấy nhẹ lòng vì cáo trạng thể hiện hành vi của bị cáo so với tổng thể vụ án thì không quá nghiêm trọng, nặng nề cho đến khi nhận được mức đề nghị của VKS.

“18 tháng tạm giam không được gặp gia đình, bị cáo rất mong được gặp vợ con nhưng VKS đề nghị 19-20 năm tù, bị cáo không muốn gặp gia đình nữa, bị cáo rất xấu hổ. Xin HĐXX, VKS cân nhắc xem xét phần bào chữa luật sư để có mức án nhẹ hơn”, bị cáo Phương bật khóc trình bày.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm