Vụ xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng: Vì “đời” hay vì đạo?

(PLO)- Từ vụ "xá lợi tóc" ở chùa Ba vàng, chuyên gia nghiên cứu tôn giáo cho rằng mục đích của tu luyện chân chính là giải thoát, không phải để cầu danh lợi, càng không thể dối trá…

Những ngày qua, thông tin về cái gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” ở chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù Ban Tôn giáo Chính phủ đã xác nhận trụ trì chùa Ba Vàng vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đến nay vẫn chưa có hình phạt cụ thể nào dành cho chùa Ba Vàng và sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh.

Phải xử nghiêm

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ, mới đây đã cho rằng hoạt động tổ chức rước và trưng bày cho Phật tử và nhân dân chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” đã vi phạm Điều 48 về hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều Phật tử chiêm bái vật phẩm được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” hơn 2.600 năm tự chuyển động. Ảnh: Fanpage chùa Ba Vàng

Ngày 12-1, trao đổi về vấn đề này với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo, khẳng định: Không chỉ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới điều chỉnh hành vi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo mà chúng ta còn một số luật, nghị định khác cũng có thể áp dụng trong trường hợp ở chùa Ba Vàng.

Cụ thể, tại Điều 331 BLHS quy định về hành vi lợi dụng các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.

TS Hoàng Văn Chung nói về xá lợi tóc và Đạo Phật. Ảnh: ANH VĂN

Hay mới đây nhất, Nghị định 144/2021 của Chính phủ có quy định xử phạt về hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Ngày 12-1, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, cho biết giáo hội đã nhận được thư của tu viện Parami (Myanmar) đề cập đến nguồn gốc của “xá lợi tóc Đức Phật”. Tuy nhiên, vị đại diện giáo hội không thông tin cụ thể về nội dung trong thư.

Cũng theo ông Chung, truyền thông về “xá lợi tóc Đức Phật” của chùa Ba Vàng là thiếu trung thực và không có cơ sở. Về mặt ngôn ngữ, “xá lợi” là phần còn lại của cơ thể nhà tu hành sau khi đã hỏa thiêu.

Dẫn câu chuyện được truyền miệng, khi Đức Phật đắc đạo, đã có những người Myanmar được tiếp cận và Đức Phật nhổ cho họ tám sợi tóc. Số tóc này sau đó được đem về Myanmar bảo quản, ông Chung bình luận: “Tóc mà được gọi là “xá lợi” thì không đúng rồi, đó chỉ là một phần của cơ thể Đức Phật khi còn sống và chưa diễn ra câu chuyện hỏa thiêu. Bộ phận truyền thông của chùa Ba Vàng nếu biết tóc không phải là “xá lợi” mà vẫn cố tình gọi như vậy thì rõ ràng là không trung thực”.

Theo ông Chung, Đức Phật không muốn ai xem mình là một vị thần linh có quyền năng siêu nhiên cứu vớt hay ban cho con người sự giác ngộ. Thông điệp chính của Đức Phật được ghi lại trong kinh điển là ngài đã tìm ra con đường đạt đến sự giác ngộ và chỉ ra cho chúng sinh những con đường để đi đến cái đích đó.

Cho nên cần phải phân biệt rõ việc tôn kính Đức Phật như một bậc có trí tuệ và đạo hạnh cao vời với việc thần thánh hóa ngài, thờ cúng ngài và cầu xin những lợi ích phàm trần. Tin vào những điều không có căn cứ khoa học hay không có căn cứ trong kinh điển Phật giáo thì rõ ràng là mê tín.

“Cơ quan quản lý nhà nước cần vận dụng các quy định trong pháp luật, sai phạm đến đâu xử lý đến đấy. Phải xử nghiêm, gương mẫu để ngăn chặn tình trạng tương tự ở những nơi khác hoặc trong tương lai lại xảy ra những sự kiện tương tự” - TS Chung kiến nghị.

Về phía cơ quan quản lý tôn giáo, tín ngưỡng, ông Chung cho rằng cần xem xét hoạt động của các thành viên có đi đúng giáo lý, giáo luật không, đi đúng hiến chương, điều lệ đã cam kết trước Nhà nước không.

“Trong sự kiện chùa Ba Vàng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý khi câu chuyện đã xảy ra, ông Thích Trúc Thái Minh cũng chấp nhận kỷ luật. Tuy nhiên, về lâu dài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách xử lý nghiêm hơn, với người vi phạm một lần có thể người ta không cố ý nhưng vi phạm đến lần thứ hai, thứ ba thì phải có biện pháp mạnh hơn” - TS Chung nêu quan điểm.

Vì “đời” nhiều hơn vì đạo?

Nhìn nhận những sự việc tại chùa Ba Vàng, GS-TS Trần Lâm Biền bày tỏ: “Đức Phật từ ngày xưa ngài không muốn có những chuyện như thế. Đức Phật coi mọi việc đều vô thường, có sinh ắt có tử chứ không phải vĩnh cữu”. Theo ông, “xá lợi tóc Đức Phật” là không có thật, điều đó chỉ là dối trá, mà thói dối trá là tối kỵ trong đạo Phật.

“Xá lợi tóc Đức Phật” là không có thật, điều đó chỉ là dối trá, mà thói dối trá là tối kỵ trong đạo Phật.”

GS-TS Trần Lâm Biền

Từ đó, ông cho rằng đang có việc xây dựng cho mình những uy tín trên nền tảng mê tín dị đoan và lôi kéo một số người tin vào những việc nhảm nhí. Theo quan điểm cá nhân, ông Biền cho rằng việc này ắt có một mục đích vì “đời” nhiều hơn vì đạo.

“Đạo Phật tuyệt vời nhưng bây giờ bị người ta lợi dụng để mưu cầu trong thế giới vật chất này” - GS-TS Biền nói.

GS-TS Biền cũng đề cao tinh thần Phật giáo. Theo ông, trước hết phải thiện trí thức. Đây là những người hiểu biết về đạo chứ không phải đi tu như sư, hiểu biết về đạo còn mạnh hơn sư. Từ đó, GS-TS Biền bày tỏ: “Tôi không phê phán nhưng hành động đó là phi đạo lý nhà Phật, dần dần biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo nhiều màu sắc, mê tín dị đoan”.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của sư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh thì Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết nội dung này sẽ được đề cập tại cuộc họp thường niên của giáo hội được tổ chức vào hôm nay (15-1).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới