Xếp hàng từ sáng sớm tại siêu thị 0 đồng ở Trần Duy Hưng (Hà Nội), chị Hiền (quê ở Ninh Bình) bế trên tay đứa con nhỏ thường xuyên quấy khóc. Chị cho hay mình nhận được thông tin trên mạng xã hội.
Trước khi Hà Nội áp dụng việc giãn cách xã hội, chị Hiền bán trà đá trong một con ngõ ở Hà Nội. “Tằn tiện thì cũng đủ lo cho 5 miệng ăn” - chị Hiền nói. Nhưng giờ quán trà đá của chị đã phải dẹp đi, giống với rất nhiều người, cả gia đình đã quen với những bữa ăn chỉ có mì gói.
“Bố mẹ hay con cái cũng đều phải ăn mì gói, chứ cái ăn không có thì lấy đâu ra mà mua sữa cho cháu. Mỗi cháu một ngày 2 gói, không ăn thì nhịn chứ biết làm sao được” - chị Hiền bày tỏ.
Dòng người xếp hàng ở Siêu thị 0 đồng. Ảnh: V.THỊNH
Lúc đang nói chuyện với chúng tôi, đứa con trên tay chị lại quấy khóc, một người già đứng trên liền hướng mắt về nói với nhân viên hỗ trợ đứng bên cạnh: “Ôi cháu ơi, cho mẹ con nhà này lên lấy hàng trước đi chứ nó khóc mãi". Nhân viên hỗ trợ liền tiến đến mời chị Hiền ra khỏi hàng, tiến về phía siêu thị.
Cùng với người bạn già của mình, bà Nguyễn Thị Hảo (quê ở Lào Cai) bước những bước chân nặng nề với món đồ vừa được nhận. Bà giới thiệu người phụ nữ bên cạnh cũng là “đồng nghiệp” của mình, một người đi nhặt đồng nát ở Hà Nội. "Chúng tôi đi nhặt rác kiếm ăn hàng ngày, nhưng dịch thì cũng không được mấy. Không có cái này, chúng tôi đói mất” - bà nói.
Chìa ra món hàng vừa nhận, bà bảo: "Chúng tôi phấn khởi lắm, có cái này là chúng tôi sống qua được dịch rồi". Bà cũng không quên chìa ra mảnh giấy được nhân viên hỗ trợ đưa cho rồi nói thêm: "Các cháu bảo tôi phải giữ giấy này, 2 tuần sau lại đến lấy".
Cầm tấm giấy trên tay, bà bỏ vào túi áo của mình, trân trọng như một báu vật.
Bà Nguyễn Thị Hảo và người bạn già cùng làm nghề ve chai phấn khởi khi nhận hàng từ Siêu thị 0 đồng. Ảnh: V.THỊNH
Chuỗi “siêu thị hạnh phúc giá 0 đồng” được mở từ 8 giờ đến 17 giờ, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ ngày lễ, Tết. Khi người dân tới đây, ban tổ chức sẽ phát phiếu cho từng người để vào mua đồ và mỗi người được chọn 5 sản phẩm khác nhau như gạo, đường, mắm, muối, dầu ăn, thuốc men, quần áo… với tổng giá trị tượng trưng là 100.000 đồng và tối đa hai lần/tháng.
Ngoài siêu thị 0 đồng, Hà Nội cũng đã có rất nhiều địa điểm chia sẻ các phần quà, trong đó có các điểm phát gạo, còn được gọi là các ATM miễn phí.
Không có cảnh dòng người nối đuôi nhau dài ra mãi như ở địa điểm Trần Duy Hưng, thời điểm chúng tôi đến (ngày 14-4), điểm phát gạo trong Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân dòng người vẫn trật tự xếp hàng. Gạo được trao đến tận tay từng người nhanh chóng.
Người dân mua gạo đến góp vào "ATM gạo" ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân. Ảnh: V.THỊNH
Tuy nhiên, đến sáng 15-4, cảnh tượng đó đã được thay thế bằng dòng người xếp hàng dài ra từ sân vận động đến sân Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân...
"Nếu bạn thực sự khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn đầy đủ, xin nhường người khó khăn” - câu khẩu hiệu ấy cùng với những hành động sẻ chia thiết thực, lan tỏa khắp Hà Nội trong những ngày qua như tiếp thêm tinh thần cho hàng người khó khăn, giúp họ đi qua mùa dịch.