Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM vào chiều 30-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu dừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến để tập trung chống dịch.
“Không tiếp nhận hình thức nộp hồ sơ trực tiếp đối với những thủ tục hồ sơ đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1-4” - ông Phong nói và đề nghị các sở, ngành thực hiện nghiêm túc.
Chuẩn bị hàng hóa cho cả tình huống xấu nhất
Ông Phong cũng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp kiểm soát giảm mật độ người dân vào chợ truyền thống, siêu thị, ngân hàng… và các nơi công cộng cùng một thời điểm để đảm bảo không tập trung đông người. Ông cho biết UBND TP sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương vi phạm.
Đối với vấn đề cung cấp thực phẩm, ông Phong giao Sở Công Thương cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân, người dân tiêu thụ bao nhiêu phải lấp đầy hàng hóa bấy nhiêu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kể cả trong tình huống xấu nhất. “Đối với người lớn tuổi sống đơn thân, không thể ra khỏi nhà, phường, xã cần thiết lập đường dây liên lạc để có biện pháp hỗ trợ trong việc mua nhu yếu phẩm, thuốc men” - ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM sẽ hỗ trợ người bán vé số phải ngưng việc hai tuần. Ông cho biết việc tạm dừng dịch vụ xổ số từ ngày 1-4 sẽ làm cho một bộ phận người bán vé số gặp nhiều khó khăn. Họ là những người từ nhiều tỉnh, thành đến TP.HCM bán vé số lấy tiền hoa hồng kiếm sống qua ngày. Trong số họ có nhiều người còn phải gửi tiền về nuôi gia đình, đa phần rất khó khăn.
Từ đó, ông Phong đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có phương án hỗ trợ những người bán vé số để chia sẻ với họ trong lúc gặp khó khăn.
Một du học sinh (phải) vừa hoàn thành thời gian cách ly tại BV dã chiến Củ Chi tặng khung ảnh kỷ niệm cho các nhân viên khu cách ly. Ảnh: HT
Không để thành ổ dịch như BV Bạch Mai
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy có quy mô lớn với 6.000 người thăm, khám chữa bệnh và không kém gì BV Bạch Mai (Hà Nội). “Tôi được biết giám đốc BV Chợ Rẫy đã có kế hoạch đối với người khám bệnh, kiểm tra, xử lý đối với người đổ rác, người đến thăm, người làm vệ sinh... Tuy nhiên, TP cần có phương án hỗ trợ BV” - ông Phong nói.
Ông Phong cũng đề nghị giám đốc Sở Y tế mời giám đốc BV Chợ Rẫy làm việc về những giải pháp cần TP hỗ trợ gì để cùng hợp lực với nhau chống dịch, không để xảy ra vụ việc tương tự như BV Bạch Mai.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết sáng nay đã đề nghị ông Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch thường trực UBND TP) phải kiểm tra lại tất cả công ty cung cấp thức ăn cho BV (giống như Công ty Trường Sinh cung cấp thức ăn cho BV Bạch Mai).
Ông Phong đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh phải hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc bệnh nhân và bố trí người vào cổng BV theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh phải kiểm tra lại quy trình làm việc và phục vụ, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị Sở Y tế phải đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế trong suốt thời gian chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Y tế phối hợp với Bộ tư lệnh TP tổ chức đưa những người ở khu cách ly tập trung đã cách ly đủ 14 ngày trở về địa phương, tùy theo điều kiện của từng trường hợp, bắt đầu từ tuần này. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Sở Y tế lên phương án xét nghiệm có nhiễm hay không nhiễm các đối tượng ưu tiên của TP, kịp thời phát hiện và loại trừ nguy cơ này là điều rất quan trọng. Rút kinh nghiệm từ BV Bạch Mai, ông Nhân đề nghị Sở Y tế kiểm tra tất cả BV trên địa bàn TP phải đảm bảo quy trình không lây nhiễm, không chỉ y, bác sĩ, cán bộ mà cả những người lao động như lao công, bảo vệ… để các BV không có nguy cơ lây nhiễm. |
Hàng ngàn người rời khu cách ly về nhà
Dự kiến trong tuần này, hàng ngàn người sẽ hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định. Thời điểm cao nhất lên đến 2.300 người/ngày. Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã đưa ra kế hoạch giải tỏa người được cách ly tại các khu cách ly tập trung.
Ông Bỉnh đề nghị Ban quản lý các khu cách ly lên phương án di chuyển người ra khỏi khu cách ly đảm bảo trật tự, an toàn, tránh tụ tập và đề phòng các trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly.
Theo đó, đối với người được người nhà đón tại khu cách ly sẽ tổ chức địa điểm phù hợp, an toàn trong khu cách ly. Đối với người cư trú tại các quận, huyện của TP.HCM, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về địa điểm cố định do quận, huyện bố trí để người nhà đón về.
Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Tây, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về bốn điểm đón tập trung tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Các điểm đón tập trung do Bộ tư lệnh Quân khu 7 bố trí, từ đó các tỉnh khác của miền Tây đưa xe đến đón người dân về địa phương.
Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về điểm đón tập trung tại tỉnh Đồng Nai và TP Phan Thiết (Bình Thuận). Từ đó các tỉnh khác của miền Trung và miền Đông Nam bộ đưa xe đến đón người dân về địa phương.
Đối với người về địa phương bằng máy bay, tàu hỏa, người cách ly chủ động tìm phương tiện vận chuyển về địa phương mình, đăng ký với ban quản lý khu cách ly về địa điểm và phương tiện để về địa phương. Ban quản lý các khu cách ly gửi thông tin đến Bộ tư lệnh TP, Sở GTVT để phối hợp tổ chức điều xe đưa người cách ly đến nhà ga, sân bay.
Không để các “chiến sĩ” trên tuyến đầu kiệt sức Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, vào sáng 30-3, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng. Theo đó, mặc dù vừa qua còn không ít tâm tư, lo lắng vì bị kỳ thị nhưng nhiều y, bác sĩ BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới trung ương,... vẫn tự nguyện xin ở lại BV cách ly cùng bệnh nhân, hết lòng điều trị cho người bệnh… Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà. Các địa phương cần bố trí khu vực riêng phục vụ nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch cách ly, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe trong giai đoạn căng thẳng này. HÀ PHƯỢNG |