Đài RT đưa tin Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố giai đoạn đầu của chiến dịch đã phá hủy “gần như toàn bộ” các mục tiêu. Mục đích của chiến dịch nhằm loại bỏ Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) mà Ankara xem là cánh tay nối dài của tổ chức khủng bố ly khai người Kurd trong nước.
Hôm 20-1, khoảng 72 chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy 108 trong số 113 mục tiêu bị không kích ở Afrin, trong đó có căn cứ không quân Menagh ở Tây Bắc Syria. Căn cứ này được Mỹ sử dụng để cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang người Kurd. Ít nhất bảy dân thường, trong đó có một trẻ em và ba chiến binh người Kurd đã thiệt mạng sau vụ tấn công. Ngoài ra còn có 13 dân thường bị thương, theo đài RT.
Khói bốc lên từ khu vực Afrin khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các mục tiêu người Kurd ở Syria hôm 20-1. Ảnh: REUTERS
Vào sáng sớm 21-1, một số xe tải quân sự chở xe tăng và phương tiện thiết giáp khác được nhìn thấy tại cổng biên giới Oncupinar, sẵn sàng tiến vào thị trấn Azaz của Syria, trang tinDogan cho biết. Chính quyền Ankara cũng đã điều hàng ngàn binh sĩ tới khu vực chuẩn bị cho chiến dịch.
Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Mỹ đã kích động căng thẳng ở miền Bắc Syria khi hỗ trợ vũ khí cho các nhóm phiến quân. Thông cáo của bộ này cho hay “các hành động khiêu khích” của Mỹ như thiết lập lực lượng biên giới và các hoạt động khác nhằm phá hủy chủ quyền của Syria, ủng hộ các nhóm chiến binh có vũ trang đã dẫn đến “phản ứng cực kỳ tiêu cực” của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Press TV.
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ là hành vi xâm phạm chủ quyền nước này. Một thành viên trong Ủy ban an ninh của Thượng viện Nga cho biết Moscow sẽ ủng hộ Damascus về mặt ngoại giao, đồng thời yêu cầu Liên Hiệp Quốc buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến sự này. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga (Hạ viện) Vladimir Shamanov cho rằng chiến dịch ở Afrin có thể dẫn đến một số phức tạp nhất định cho Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria, hướng tới tìm kiếm giải pháp hòa giải giữa các bên ở Syria, dự kiến diễn ra vào ngày 29 và 30-1 tại Sochi.