Xử lưu động án dân sự: Còn tranh cãi

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, nhận xét nếu xử lưu động án dân sự để gần dân, giúp dân đỡ tốn kém, tránh phải đi lại xa xôi thì nên làm với điều kiện là được các bên đương sự đồng ý.

Phải tôn trọng quyền tự quyết

Tuy nhiên, nếu xử lưu động án dân sự nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc vì mục đích khác thì theo ông Hùng là không nên. Bởi lẽ trong án dân sự, các đương sự tự thực hiện giao dịch và có quyền tự định đoạt các giao dịch này. Đem các giao dịch dân sự đưa ra xử lưu động thì uy tín, danh dự của họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn một người có thể mượn nợ nhiều nơi, nhiều người để làm ăn, có thể lãi ở chỗ này nhưng thua ở chỗ khác. Nếu đưa món nợ ở nơi làm ăn thua lỗ của họ ra xử lưu động thì chỗ họ đang có lãi sẽ rút vốn, không làm ăn nữa, thế là đã gây thiệt hại cho họ rồi!

Một thẩm phán TAND TP.HCM cũng cho rằng khi tòa quyết định xử lưu động thì chắc chắn một bên đương sự sẽ không vui, không thích. Bởi ít hay nhiều thì sự xuất hiện của họ trước đám đông sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân họ, nhất là người làm ăn buôn bán lớn. Hơn nữa tranh chấp dân sự là sự thỏa thuận của các bên thì nên để các bên tự quyết định.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, Điều 13 Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng là phải tôn trọng nhân dân…, phải giữ bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của các đương sự... Điều 38 Bộ luật Dân sự cũng quy định về bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập, công bố thông tin tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý.

Xử lưu động án dân sự: Còn tranh cãi ảnh 1

Liệu xử lưu động án dân sự như thế này có lộ bí mật đời tư của các đương sự? Ảnh minh họa: HTD

Trong khi đó, ai dám đảm bảo rằng việc xử lưu động án dân sự không làm tổn thương đến uy tín, danh dự của đương sự? Việc xử lưu động án dân sự cũng không khác gì đã công bố thông tin tư liệu về đời tư cá nhân. Chưa kể, kết quả xét xử lưu động không ổn định do hậu quả của kháng cáo, kháng nghị và bản án hoàn toàn có thể bị cải sửa hay hủy án. Việc “thắng thua, được mất” chưa ổn định thì làm sao đảm bảo tính giáo dục pháp luật?

Từ đó, ông Lương cho rằng ngành tòa án không nên xử lưu động án dân sự, cần thiết thì phải được đương sự đồng ý theo tinh thần Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự (về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự).

Không sai luật?

Ở hướng ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) lại cho rằng việc xử lưu động án dân sự là hợp lý vì không sai luật. Bà Phương phân tích: Theo pháp luật tố tụng nói chung, Bộ luật Tố tụng dân sự nói riêng và Luật Tổ chức TAND thì tòa án có hai hình thức xét xử là xử công khai và xử kín. Việc xử công khai có thể thực hiện tại trụ sở, cũng có thể ngoài trụ sở (xử lưu động). Luật không bắt buộc trường hợp nào phải xử tại trụ sở hay xử lưu động mà chuyện này do tòa quyết định.

Cũng theo Tiến sĩ Phương, không có cơ sở cho rằng việc xét xử lưu động sẽ khiến nhiều người theo dõi phiên tòa biết thông tin, từ đó làm tổn hại đến danh dự, uy tín của đương sự. Bởi lẽ một khi tòa xét xử công khai thì luật cho phép mọi người đều có quyền đến tham dự để theo dõi phiên xử. Luật cũng không quy định là xử công khai thì được giới hạn bao nhiêu người biết. Ví như tại trụ sở tòa mà có vài trăm người đến xem thì cũng phải cho họ vào xem.

Từ đó, Tiến sĩ Phương kết luận: Nếu đương sự cảm thấy xét xử công khai như vậy ảnh hưởng đến uy tín, danh dự thì chính đương sự phải yêu cầu tòa xử kín. Việc này do tòa xem xét, quyết định chứ không có nghĩa cứ đề xuất là được. Tòa chỉ có nghĩa vụ xử kín khi xét thấy nó liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục...

Trước đây, tại địa phương xảy ra vụ người chồng thường xuyên bạo hành, đánh đập vợ con. Có lần, ông ta đánh vợ thậm tệ chỉ vì không làm xong một con gà trong vòng 10 phút để cho ông ta nhậu với bạn bè. Sau khi thụ lý đơn xin ly hôn của người vợ, tôi đã quyết định đưa vụ việc ra xử lưu động tại một xã trong huyện.

Rất nhiều người dân đã đến xem, thậm chí những người ở huyện khác còn điện thoại, viết thư cho tôi hỏi thăm thêm về tình tiết vụ án. Chứng tỏ người dân luôn quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khi ấy tôi thấy mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phiên xử đã phát huy tác dụng. Các đương sự cũng không phản ứng vì bản thân người chồng sau đó cũng thấy xấu hổ về việc mình làm, còn người vợ thì vui vẻ vì được giải thoát.

Thẩm phán NGUYỄN THỊ HỒNG, Phó Chánh án TAND huyện Phước Long, Bình Phước

TAND Tối cao cần hướng dẫn

Tôi không đồng tình với lý giải của những người có trách nhiệm trong ngành tòa án tỉnh An Giang. Cụ thể, ông chánh án TAND TP Long Xuyên nói trong hội nghị triển khai công tác, TAND Tối cao có khuyến khích xét xử lưu động mà không nói rõ là dân sự hay hình sự nên xử lưu động án gì cũng được. Đây là cách diễn giải tùy tiện, dẫn đến hệ lụy là cách làm tùy tiện. Trong trường hợp này, lẽ ra ngành tòa án tỉnh cần có văn bản xin ý kiến của TAND Tối cao.

Ngoài ra, ông chánh án cũng chủ quan khi cho rằng chưa có đương sự nào phản đối, khiếu nại việc này, hoặc nếu cảm thấy bị thiệt hại thì đương sự cứ việc chứng minh, khiếu kiện và tòa sẽ giải quyết... Nhiều người dân có trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật nói chung còn hạn chế, làm sao biết việc bị đưa ra xét xử lưu động trong án dân sự như trên có đúng luật hay không. Hơn nữa, khi đối diện với pháp luật, họ thường chỉ tập trung cho vụ kiện của họ, còn đâu tâm trí cho những chuyện khác như thế này.

Tôi cũng không đồng tình với lập luận của ông chánh án TAND tỉnh An Giang khi cho rằng với một vụ án dân sự, nếu xử tại tòa thì cũng xử công khai, nhiều người tham dự. Nếu bị đơn thua kiện, không thi hành án, cơ quan thi hành án cũng đến nhà làm việc nhiều lần, rồi cơ quan thi hành án cũng bố trí lực lượng đến cưỡng chế. Vụ việc cuối cùng cũng… “rùm beng” và cả làng, cả xóm cũng sẽ biết! Tôi cho rằng không thể dùng hệ quả xấu nhất, cuối cùng theo lý thuyết để biến chúng thành cách làm thực tế đầu tiên.

Thiển nghĩ TAND Tối cao cần nhanh chóng có hướng dẫn chung để ngành tòa án các địa phương có cơ sở thực hiện thống nhất.

SĨ LÊ (Trà Vinh)

Đừng áp đặt

Án dân sự mang nặng tính đạo đức và tính chủ động thỏa thuận giữa đương sự. Chẳng hạn A kiện B vì vi phạm hợp đồng nhưng tại phiên xử lưu động, hai bên có thể thỏa thuận thành và tòa vẫn phải công nhận. Gặp những trường hợp như thế này, thẩm phán không có cơ hội giải thích pháp luật. Trong khi đó, để tổ chức một phiên tòa lưu động cần nhiều kinh phí, thời gian, công sức của nhiều người liên quan.

Luật sư PHAN NGỌC BĂNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

VĂN ĐOÀN - THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm