Đây là báo cáo của Bộ Công an được đưa ra tại hội nghị triển khai dự án đường dây nóng về tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người, do Bộ LĐ-TBXH phối hợp cùng Tổ chức JICA Nhật Bản tổ chức, diễn ra sáng 14-12.
Hội nghị tiếp tục cam kết sẽ có hỗ trợ tích cực với nạn nhân bị mua bán.
Điểm đáng chú ý, trong báo cáo này, Bộ Công an cho biết hiện nay xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, đây là những vấn đề mới phát sinh trong nạn mua bán người.
Từ năm 2012 đến năm 2017, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người là nạn nhân bị mua bán, với khoảng 6,8% nạn nhân trẻ tuổi, học sinh, sinh viên...
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, trong bối cảnh tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đang ngày càng tăng nên việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Cũng theo bà Hà, Bộ LĐ-TBXH cùng Bộ Công an và JICA thống nhất mục tiêu trong giai đoạn 2 tiếp tục tăng cường hơn nữa số ca được can thiệp, xử lý tốt hơn bên cạnh việc tiếp nhận thông tin tố cáo.
Hiện nay hai nhánh trung tâm cấp vùng của đường dây nóng phòng, chống mua bán người được thành lập tại Đà Nẵng và An Giang. Mạng lưới phòng, chống mua bán người từng bước được xác lập trên cả nước. Việc tiếp nhận thông tin của đường dây nóng từ số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước cũng được triển khai và không ngừng được hoàn thiện.
“Trong quá trình đi giám sát công tác trẻ em vừa qua, tôi thấy được thông tin về số điện thoại 111 được thông tin đến người dân, trẻ em ở các xã, phường, cơ sở. Với ý nghĩa như vậy, bằng nỗ lực và cam kết của mình, đơn vị sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bảo đảm sự phát triển bền vững của đường dây nóng phòng, chống mua bán người và mạng lưới hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ em và các tỉnh miền núi, biên giới…” - bà Hà nhấn mạnh.
Được biết đến hết tháng 6-2018, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 13.000 cuộc gọi, trong đó có hơn 9.000 cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán, can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân.