Xuất khẩu lao động Nhật Bản: Cửa mở nhưng không dễ

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nhật Bản là thị trường lao động hấp dẫn đối với người lao động bởi nhu cầu cần nhiều và mức lương khá cao. Hiện, Cục đang tiếp tục đàm phán với phía Nhật Bản nhằm tăng cường số lượng xuất khẩu lao động sang nước bạn.

Trái với lo ngại rằng, thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản sẽ sụt giảm sau thiệt hại của động đất, sóng thần hồi đầu tháng 3 vừa qua, thị trường này lại bất ngờ trở nên sôi động. Cụ thể, nếu như trong 3 tháng đầu năm, trung bình, cả nước chỉ có hơn 200 lao động sang Nhật Bản làm việc mỗi tháng, thì trong tháng 4, đã có tới gần 600 người và tháng 5 là gần 500 người xuất cảnh sang thị trường này làm việc. Nguyên nhân của sự tăng trưởng đặc biệt này là gì thưa ông?
Thảm họa động đất mạnh 8,9 độ Richter xảy ra ở miền bắc Nhật Bản cách thủ đô Tokyo 400 km ở độ sâu 20 dặm (32 km) đã gây thiệt hại lớn và gây ra sóng thần quanh Thái Bình Dương và sau đó dẫn đến sự cố ở nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima. Tuy nhiên, kể cả trong thời điểm nhạy cảm nhất toàn bộ TNS Việt Nam đều an toàn và làm việc bình thường, không có trường hợp nào tự ý bỏ về nước. Thậm chí, có nhiều TNS còn tình nguyện làm thêm giờ để góp tiền ủng hộ những nạn nhân của trận động đất, sóng thần. Với sự thể hiện đó, người lao động Việt Nam đã giành được thiện cảm đặc biệt trong mắt chủ sử dụng lao động ở đất nước này, bởi tinh thần trách nhiệm và tinh thần tương thân tương ái khi hoạn nạn xảy ra. Hiện nay, số lượng hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Nhật Bản đăng ký tại Cục tăng cao so với trước. Các doanh nghiệp phái cử cũng cho biết, họ ký kết được nhiều đơn hàng với các điều khoản có lợi cho người lao động.

Được biết, Việt Nam sẽ cung cấp nhân lực cho cả những ngành nghề đòi hỏi chất lượng cao?
Cục đang tiếp tục bàn bạc, đàm phán phía Nhật Bản để áp dụng chương trình đưa y tá, hộ lý VN đang làm việc trong các bệnh viện để sang làm việc tại đây. Đây sẽ là một lĩnh vực rất tiềm năng để các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam nghiên cứu, lên kế hoạch tuyển dụng và đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của Nhật. Riêng với Cục, ngoài chương trình TNS, sẽ có thêm nhiều chương trình cao cấp dành cho đối tượng là kỹ sư có vốn ngoại ngữ tốt để có thể làm việc độc lập ngay.

Có một thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp đang đau đầu vì không tuyển đủ lao động sang làm việc ở những thị trường truyền thống ít đòi hỏi như Maylaysia, Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản lại là thị trường đòi hỏi khá cao. Nếu vậy, vấn đề đáp ứng nhân lực sang Nhật Bản sẽ càng khó khăn?
 
Thực tế sang Nhật Bản xuất khẩu lao động trong giai đoạn hiện nay không còn khó như nhiều người vẫn lo ngại. Phía bạn đã sang tận VN để tuyển trực tiếp với yêu cầu trình độ cao hơn so với các thị trường lao động phổ thông Maylaysia, Đài Loan. Tuy nhiên người lao động lại không cần tay nghề cao, bởi phía bạn sẽ dạy nghề và trả lương TNS cho người lao động.
Mức thu nhập bình quân của mỗi TNS khoảng 80.000 – 100.000 Yên/tháng, tương đương 900 - 1.000 USD/tháng (hơn 20 triệu đồng/tháng/người). Công việc đang cần lao động Việt Nam nhiều nhất là cơ khí, may mặc, điện tử, nông nghiệp, chế biến thủy sản...Vì thế, Nhật Bản đang là địa chỉ hấp dẫn đối với sinh viên mới ra trường đã được đào tạo bài bản.

Mức chi phí mà người lao động phải trả để được sang Nhật làm việc là bao nhiêu thưa ông?
 
Hiện nay, chi phí tối đa không được 1 tháng lương (khoảng 1.000 USD/tháng/người). Ngoài ra, có DN còn đưa ra mức thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, vé máy bay, chỗ ở được hỗ trợ miễn phí toàn
bộ.

Lại thêm một thực trạng đã diễn ra tại Nhật là có đến 30% TNS đã bỏ trốn không về nước khi hết hạn hợp đồng lao động. Nhất là khi Nhật Bản áp dụng cơ chế, yêu cầu các chủ sử dụng lao động nước ngoài không nhận tiền đặt cọc của TNS (kể từ ngày 1/7/2010). Tình trạng này cũng đã diễn ra tại Hàn Quốc,  khiến thị trường này lo ngại nên đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam?
Đây thực sự là vấn đề nan giải đã được Cục lường trước và rút kinh nghiệm. Tình trạng bỏ trốn sẽ hạn chế trong thời gian tới, bởi Cục đã yêu cầu các công ty phái cử và doanh nghiệp tiếp nhận thít chặt ngay từ khâu tuyển và đảm bảo các chế độ tốt nhất cho người lao động. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát người lao động nước ngoài đang làm việc tại đây, nếu TNS bỏ trốn bị bắt được sẽ trục xuất ngay về nước. Cùng đó, nếu chính sách trong nước tạo môi trường thuận lợi để tiếp nhận TNS về nước “cống hiến” kèm lẫn mức lương khá cũng sẽ hạn chế được tình trạng bỏ trốn này.
Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, có khoảng 18.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản, riêng 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 3000 TNS Việt Nam đang làm việc tại đất nước này.
Theo Chương trình Hợp tác tu nghiệp sinh giữa hai nước, khi sang Nhật Bản làm việc, người lao động Việt Nam không phải đóng phí đặt cọc, mà chỉ mất chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, khám sức khỏe. Các ngành nghề Nhật Bản tuyển sinh tại Việt Nam khá đa dạng: cơ khí, sửa chữa đóng tàu, chế biến nông sản…
Trong thời gian 3 năm tu nghiệp tại Nhật Bản, người lao động được hưởng trợ cấp tu nghiệp trong năm đầu khoảng 800-1.000 USD/tháng; từ năm thứ hai, được trả lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận, với mức lương khoảng 1.000-1.500 USD/tháng (chưa kể tiền làm thêm ngoài giờ).
Theo quy định, TNS Việt Nam chỉ được làm việc tại Nhật Bản 3 năm, nếu muốn quay lại, họ phải đi theo chương trình đào tạo nghề cao hơn, thậm chí trên đại học. Hàng năm số tu nghiệp sinh của ta ở Nhật gửi về nước khoảng hơn 300 triệu USD Mỹ.
Sau khi hoàn thành 3 năm tu nghiệp về nước, Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hỗ trợ mỗi tu nghiệp sinh 600.000 yên làm vốn.

Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm