Tiêm phòng chó dại tại Yên Bái. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Trước đó, vào tháng 9/2012, ông Đông bị chó cắn, nhưng không đi tiêm phòng. Theo thống kê, bệnh dại đã bùng phát ở hầu hết 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Chấn. Cùng với các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, huyện Văn Chấn đang là một trong những vùng trọng điểm của bệnh dại và lây lan mạnh. Riêng trong ngày 24/6, huyện Văn Chấn đã phát hiện 28 trường hợp bị phơi nhiễm bệnh dại do chó cắn, nâng tổng số nạn nhân của huyện (tính từ đầu năm đến nay) lên 1.623 nạn nhân, toàn tỉnh là 3.761 nạn nhân, ngoài những trường hợp được phát hiện, thì vẫn còn nhiều người chưa khai báo với chính quyền địa phương. Trước những diễn biến phức tạp của căn bệnh nguy hiểm này, Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn đã yêu cầu các phòng, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các xã tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, cấm vận chuyển chó, mèo vào và ra khỏi địa bàn, góp phần giảm thiểu khả năng lây lan của bệnh. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh và duy trì các điểm tiêm phòng cũng được chú trọng; huyện yêu cầu các địa phương vận động người bị chó dại cắn đi tiêm phơi nhiễm và tiếp tục tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn. Theo bác sỹ Lê Thị Hồng Vân, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh dại bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn huyện Văn Chấn là do người dân vẫn còn thói quen thả thả rông chó, mèo nhưng không rọ mõm. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó của huyện còn thấp do địa hình rộng, đi lại khó khăn. Hơn nữa, sự hiểu biết về bệnh dại của một bộ phận người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên dẫn đến chủ quan, thờ ơ với bệnh dại./.
Theo Trung Kiên (TTXVN)