Chồng không được quấy rối, cưỡng hiếp vợ!

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét... Một trong những điểm mới của dự thảo là ghi nhận việc chế tài hành vi quấy rối tình dục, cưỡng hiếp trong gia đình, trong đó có cả quan hệ vợ chồng.

Chồng không được quấy rối, cưỡng hiếp vợ! ảnh 1Chúng tôi đã trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thành viên ban dự luật, làm rõ thêm quy định này.

. Dự án luật này chừng như mở rộng những hành vi bị coi là bạo lực gia đình? Bà có thể cho biết hành vi nào bị coi là bạo lực trong gia đình?

+ Theo dự thảo, hành vi bị coi là bạo lực gia đình bao gồm: đánh đập, ngược đãi, hành hạ hoặc hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; chửi mắng, lăng mạ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; cô lập, xua đuổi, quấy rối hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;..

Đặc biệt, các hành vi: cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc quấy rối tình dục; cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện cũng bị coi là bạo hành. Ngoài ra, nếu nam, nữ không đăng ký kết hôn hoặc vợ (chồng) đã ly hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình.

. Tiêu chí nào để có thể phân biệt hành vi quấy rối và cưỡng ép quan hệ tình dục?

+ Quấy rối tình dục là hành vi của một người (gọi là A) động chạm vào cơ thể của người khác (gọi là B) ở những bộ phận nhạy cảm để kích động hoặc cưỡng ép B quan hệ tình dục mà B không mong muốn. Quấy rối tình dục cũng có thể là những lời nói dâm ô, ánh mắt nhìn gợi dục vào các bộ phận sinh dục của người khác một cách cố ý, gây ra cảm giác khó chịu hoặc căm ghét. Quấy rối tình dục cũng có thể là những đề nghị đổi tình dục lấy một điều kiện, quyền lợi nào đó của A đối với B. Người quấy rối tình dục có thể là nam hay nữ nhưng phần lớn là nam giới.

Đối với hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc hãm hiếp là hành vi buộc người khác quan hệ tình dục trong tình trạng không mong muốn hoặc không có khả năng chống đỡ. Người cưỡng ép quan hệ tình dục thường là nam giới.

. Làm thế nào có thể xác định hành vi bạo lực trong hôn nhân? Làm thế nào để xác định chồng hay vợ đã quấy rối hoặc cưỡng ép người kia quan hệ?

+ Điều đó cũng không khó nhưng vì người Việt Nam mang nặng tư tưởng “thuần phong mỹ tục”, người vợ thường ngại khi nói ra chuyện “tế nhị” với chồng.

. Cụ thể hơn là hành vi nào được xem là quấy rối, cưỡng ép tình dục trong quan hệ vợ chồng?

+ Nhiều ông chồng không được vợ cho “quan hệ” hay “quan hệ” không đủ đã đánh đập vợ mình. Hoặc chồng bắt vợ làm nhiều lần cái việc mà vợ không mong muốn... Tất cả đều bị coi là bạo lực gia đình.

. Trong trường hợp ngược lại, người vợ ép chồng phải quan hệ thì có bị coi là bạo lực tình dục không?

+ Phụ nữ không thể hãm hiếp chồng mà hành vi đó chỉ được coi là quấy rối tình dục. Bởi trong mọi trường hợp, người đàn ông luôn ở tư thế chủ động.

. Trong trường hợp nào thì chủ tịch xã được quyền quyết định cách ly người gây ra hành vi bạo lực gia đình ra khỏi chỗ ở chung? Nếu như người gây bạo lực là chủ sở hữu ngôi nhà, họ có quyền từ chối yêu cầu của chủ tịch xã?

+ Biện pháp cách ly được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, khi bạo lực xảy ra, người gây bạo lực đã và đang xúc phạm nhân phẩm và đe dọa tính mạng của nạn nhân hoặc nạn bạo lực tái diễn nhiều lần.

Tùy theo trường hợp cụ thể, chủ tịch xã, công an hoặc tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong vòng ba ngày hay bốn tháng. Nếu như vụ việc tái diễn nhiều lần, họ có thể bị xử lý hình sự (bị đi tù). Người gây bạo lực buộc phải thi hành luật cũng giống như khi họ gây ra bạo lực xã hội.

. Làm thế nào đảm bảo được an toàn cho người chịu bạo lực gia đình, thưa bà?

+ Có hai cách để bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Đó là đưa họ vào những ngôi nhà tạm lánh và xây dựng cơ sở phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Muốn tránh được bạo lực gia đình, mỗi người, đặc biệt là các nạn nhân cần phải được học tập luật và thi hành theo luật. Nạn nhân cần được biết quyền của họ và họ phải được pháp luật, chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình bảo vệ và can thiệp tích cực.

. Xin cảm ơn bà.

Không “chiều” chồng, phải khâu tám mũi

Chị Nguyễn Thị Đào, chủ tịch hội phụ nữ một xã ở tỉnh Phú Thọ, từng bị chồng (cán bộ thương nghiệp mất việc) rêu rao bán với giá 100 ngàn đồng (về sau hạ giá xuống 50.000 đồng). Anh ta còn tuyên bố: “Tao đi với cave, giá còn cao gấp hai lần mày, rồi về đổ bệnh cho mày”.

Cắn răng chịu đựng, chị thôi chức chủ tịch hội phụ nữ, về nhà làm ruộng và bỏ mối thức ăn chăn nuôi.

Có đêm chồng vào giường vật chị ra bên cạnh hai đứa con đang ngủ. Chị kháng cự liền bị chồng lấy gạch đập vào trán, phải đi bác sĩ khâu tám mũi.

(Theo Vietnamnet)

Có thai còn phải “chiều”, bị đánh!

Chị Võ Thị Thúy Hằng, ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), lấy chồng năm 18 tuổi. Sau ngày cưới hơn nửa tháng, chị Hằng đã bị chồng là Trịnh Công Chung đánh đập, ép buộc quan hệ tình dục. Chị Hằng thông báo đã có thai, chồng chị cũng vẫn cứ chứng nào tật ấy. Mỗi khi bạo hành, chồng chị còn chửi bới thậm tệ: “Mạng mày chỉ đáng giá hai mươi triệu, đánh cho mày chết”. Lần cuối cùng, khi mang thai ở tháng thứ sáu, chị vẫn bị chồng ép buộc quan hệ, đánh đập đến mức phải nhập viện 10 ngày.

(Theo Thế giới trẻ)

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm