Giả nghèo, chăn trâu đường nhựa: Hốt đô-la

Chăn trâu để kiếm tiền “đô” xem ra là một nghề mới đang khá phổ biến tại địa phương này.

Trên đoạn Quốc lộ 1A dài chừng 2 km đi qua địa bàn thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền, dù mưa hay nắng, thời gian gần đây luôn xuất hiện một nhóm trẻ đưa trâu ra chăn thả hai bên vệ đường khô cằn, nhẵn trụi cây cỏ.

Thì ra, việc trẻ em đưa trâu chăn thả ven quốc lộ thực chất chỉ là cách để kiếm tiền từ những ông bà khách Tây. Những đứa trẻ chăn trâu ven quốc lộ có một vẻ bề ngoài khá giống nhau, trông nghèo khổ, áo quần vá víu, thân hình lấm lem bùn đất, nón lá tơi tả, mặt mày đen đúa…

Đã thành thói quen, mỗi khi có khách Tây dừng lại để “ngắm” trâu, cưỡi trâu hoặc chụp ảnh gia súc và phong cảnh đầm phá Cầu Hai, những em bé chăn trâu thôn Bạch Thạch lại sấn đến ngửa tay xin tiền.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ban đầu chỉ có một vài em nhỏ đưa trâu ra đường quốc lộ vẫy khách Tây dừng chụp hình, xin tiền. Lâu dần thấy “ngon ăn”, đội quân này hiện đã tăng lên con số vài chục, thậm chí có cả sự tham gia của người lớn.

Dường như đã được huấn luyện kỹ càng, nên mỗi lần bị những ông Tây, bà Tây lực lưỡng cưỡi lên lưng chụp hình lưu niệm, những chú trâu ở đây luôn tỏ ra ngoan ngoãn chiều khách.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài ông bà Tây phải một phen hú hồn, suýt vào bệnh viện cấp cứu vì cưỡi phải những chú trâu “khó bảo”, mới “vào nghề”, chưa được huấn luyện thuần thục.

Thấy chúng tôi dừng lại ghi hình trâu đang “tác nghiệp” bên những ông bà Tây, lập tức một em nhỏ sấn lại đòi xin 2.000 đồng. Một em nhỏ tên là Cu Đen khoe với chúng tôi, vừa được một ông Tây bồi dưỡng tờ 1 USD.

Khi chúng tôi hỏi về thu nhập hàng ngày từ việc đem trâu ra ven đường cho khách Tây chụp ảnh, các em không ngần ngại cho biết, có buổi “trúng mánh” đã kiếm được cả 100 USD về cho gia đình, còn bình thường cũng thu được vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, dạo này do có nhiều trẻ em tham gia “nghề” này, nên thu nhập có phần giảm hơn trước.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng, trên đoạn Quốc lộ 1A gần 1km qua thôn Bạch Thạch luôn có hơn 20 trẻ chăn trâu và đội quân “ăn theo” sẵn sàng chờ khách Tây đi ngang để “tác nghiệp”. Có em, nhà không nuôi trâu nên phải nhờ bạn “cho thuê” một con để dắt ra đường đợi khách, tiền thu về ngoài dùng mua cỏ non bồi dưỡng cho trâu, số còn lại sẽ được “cưa đôi”.

Tiến -một học sinh lớp 6 Trường THCS Lộc Điền- cho biết, sáng nào em cũng cùng mẹ đưa một chú trâu ra đường để kiếm tiền bồi dưỡng từ khách Tây. Em vừa được một ông Tây bồi dưỡng 20.000 đồng tiền Việt Nam.

Một hướng dẫn viên du lịch đi theo đoàn cho biết, những khách Tây hay dừng lại chụp hình và cưỡi trâu vì muốn tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt người dân thôn quê Việt Nam.

Anh này còn “tiết lộ”, do đây là đoạn đường có nhiều cảnh đẹp của đầm phá Cầu Hai, nên ban đầu khách Tây dừng lại chủ yếu để chụp ảnh phong cảnh. Khi gặp trẻ cưỡi trâu, mấy ông Tây tranh thủ làm thêm vài “pô” lưu niệm và không quên cho các em tiền.

Lâu dần, trẻ em và người lớn trong vùng nhận ra đây là một cách kiếm tiền khá dễ dàng nên đua nhau đưa trâu ra chăn dắt ở đoạn đường này, đợi khách Tây đi ngang để vẫy vào chụp ảnh, mời cưỡi trâu và vòi tiền. Vì lẽ đó, những nơi khác trên chiều dài Quốc lộ 1A đã không tồn tại “nghề” kiếm tiền có một không hai này.

Cũng theo lời một hướng dẫn viên du lịch, việc khách Tây dừng lại chụp hình gia súc, trẻ chăn trâu vùng nông thôn Việt Nam là chuyện hết sức bình thường, nhưng giá như các em nhỏ và những bậc làm cha, làm mẹ đừng “đóng giả” nghèo khổ, áo quần rách rưới, tơi tả và quá sồn sã vẫy khách, đeo bám xin tiền… thì đó sẽ là hình ảnh đẹp hơn trong lòng du khách bốn phương.

Theo TPO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm