Đạo thầy trò xuống cấp đến thế sao?!

Vụ việc xảy ra tại một lớp 12, trường THPT Tầm Vu, thuộc huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Thầy giáo chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên toán đã xảy ra mâu thuẫn với một nữ sinh. Đôi bên cầm sách đánh vào đầu, vào mặt nhau, sau khi thầy quay đi nữ sinh này còn chọi sách vào đầu thầy và cầm viết lên… thủ thế.

Đoạn clip ghi lại toàn bộ diễn biến trên chỉ dài 23 giây nhưng cũng đủ khiến dư luận dậy sóng. Có thể nói đây là lần đầu tiên người ta thấy chuẩn mực thầy trọ bị “chà đạp” đến mức độ như vậy.

Ảnh cắt từ clip

Các ý kiến bình luận về vụ việc này vô cùng trái chiều càng khiến vấn đề thêm phức tạp. Phải chăng chính xã hội cũng đang không biết dựa vào đâu để soi rọi một vụ thầy-trò đánh nhau.

Tư cách người thầy để đâu?

Trước tiên người ta sẽ thấy trách nhiệm của người lớn hơn, trong trường hợp này là người thầy giáo. Bản thân là người đứng lớp, giảng dạy, hơn học sinh của mình cả về tuổi đời, kinh nghiệm sống và tư cách vững vàng, thầy phải làm gương, cư xử đúng mực thì trò mới tôn trọng và noi theo.

Việc thầy đánh trò dù không được cổ súy nhưng đôi khi là cần thiết, không sai, nhưng đánh qua đánh lại thì lại quá sai. Vì vậy mà nhiều độc giả cho rằng người thầy giáo trong clip đã thiếu bản lĩnh khiến vụ việc trượt dài, không thể kiếm soát.

“Thầy giáo mà tay đôi với học sinh như vậy thì còn non nghề lắm, chưa thể đứng trên bục giảng mà dạy người khác”, bạn Việt Hùng thẳng thắn nhận xét.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều bạn đọc cũng cho là phải xem xét người thầy trước. “Từ đầu năm học, giáo viên đã nói với phụ huynh là sẽ có đánh các em nếu cần, chúng tôi đồng ý. Thế nhưng xem clip tôi thấy không phải thầy đánh trò mà là hai người bình thường đánh nhau. Thật không còn phân biệt được đâu là thầy giáo nữa”, độc giả Quỳnh Anh đánh giá.

"Đây là một hồi chuông cảnh báo gửi đến những người làm giáo dục về tư cách người giáo viên. Chính người làm thầy đang tự làm xấu mình khi hành xử như vậy”, ý kiến của bạn Phùng Ngọc Hân nhận được nhiều sự ủng hộ.

Học trò "hùng hổ" đánh trả thầy

Ngay cả đồng nghiệp cũng lên án mạnh mẽ, thầy Trung Hiếu gay gắt: “Con người ai cũng có cơn nóng giận nhưng làm thầy người ta phải kiềm chế được, không để mất đi tư cách của mình. Thầy sẽ nói sao nếu trò hỏi lại thầy cũng thế nói gì em?

Học trò “mất dạy”?

Mặc dù thầy giáo bị chỉ trích nặng nề nhưng nữ sinh trong clip còn lãnh “búa rìu” nhiều hơn gấp bội.

“Do nữ sinh này mất dạy quá thôi. Thầy có mạnh tay đâu, thấy ổng đánh như không đó chứ”, bạn đọc Đạt nhận xét.

Quả thật khó ai có thể đồng tình với hành vi của cô gái. Vừa là học trò, vừa là phái nữ nhưng em đã hành xử quá hung hăng, quyết ăn miếng trả miếng với người dạy mình. Đối với người trên mà còn như vậy, liệu lúc ra đường mâu thuẫn với bạn bè, người nhỏ hơn em còn mạnh tay tới đâu?

“Biết tôn ti trên dưới là cái gốc làm người. Em học sinh này phải dưỡng lại từ gốc”, một độc giả lớn tuổi nhận xét.

“Không thể chấp nhận đảo lộn đạo lý làm người. Rồi em sẽ thấy kiểu sống, hành xử như vậy sẽ đưa em đến một nơi ngược với tốt đẹp, sung sướng”, là lời cảnh tỉnh của độc giả Minh Thọ.

Nhiều bạn đọc lo lắng cho xu hướng bạo lực nếu không được kiểm soát được từ sớm, chính những nữ sinh, nam sinh sáng sủa, trẻ trung bây giờ sẽ trở thành các đàn anh, đàn chị giang hồ trong tương lai, trở thành mối nguy cho cả gia đình và xã hội và phải trả giá cho những sai lầm không được sửa của mình.

Bạn Quế Anh cho biết trước đây đi học đôi khi cũng gặp cảnh thầy đánh trò, nhưng học sinh bây giờ “đầu gấu” quá mới có chuyện đánh ngược như thế.

Với tư cách là phụ huynh, độc giả Đức Nhân nhận xét: “Con tôi nếu làm như vậy tôi cũng không thể chấp nhận. Dù bị thầy đánh nhưng đánh lại thầy là quá hỗn láo. Nếu các gia đình không nghiêm khắc với con bọn trẻ sẽ dễ lầm đường, trở thành người xấu”.

Hỉnh ảnh đẹp về tình thầy trò. Ảnh: Zing

“Không biết nói sao cho những ai bênh vực học sinh này. Con cũng là học sinh nhưng dù thầy có thế nào cũng không bao giờ dám vô lễ. Có lẽ bạn quen coi mình là chúa nhưng đó chỉ là hành vi của người trống rỗng về đạo đức. Bạn khiến cha mẹ mình xấu hổ mà thôi”, em Thu Huyền học sinh cấp III chia sẻ suy nghĩ của mình.

Quan hệ thầy-trò đang biến tướng

Số đông bạn đọc đều lo ngại bởi sự việc cho thấy mối quan hệ thầy-trò trong xã hội hiện đại đang bị đẩy ra khỏi cái trục của nó. Thầy không ra thầy, trò không ra trò, lòng tôn trọng, tri ân dành cho thầy cô ngày càng giảm sút, ngược lại tình thương và sự bao dung mà lý ra học trò được nhận cũng đang vơi đi.

“Thật chán chường cho cả thầy và trò, giận quá mất khôn. Hy vọng đây là lần đầu và cũng là lần cuối, sẽ không còn cảnh tương tự trong học đường thời nay”, độc giả Hứa Minh Sang kỳ vọng.

“Vấn nạn học đường đã đến lúc báo động. Học sinh rõ ràng đã sai nhưng thầy cũng không đúng, hãy xem lại cách hành xử với học trò của mình”, là lời nhắn nhủ của bạn Chien Nguyen.

Biết tri ơn người dạy dỗ mình là cái gốc của con người. Ảnh: TTXVN

Xã hội văn minh hơn, con người bình đẳng hơn nhưng nền giáo dục trong gia đình và nhà trường đang mắc nhiều “lỗi kỹ thuật” khiến mối quan hệ thầy trò trở nên sai lệch và bất ổn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm